Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay chưa được khai thác, phát triển tương xứng.
Ngày 14/6, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch và phát động chương trình du lịch với chủ đề “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022.
Tại hội nghị, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ, huyện Lục Ngạn miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đây là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, vải thiều chiếm 15.400ha; các loại cây có múi hơn 6.700 ha…
Đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn và Hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Giang giải đáp những thắc mắc tại hội nghị xúc tiến du lịch "Hương sắc mùa hè Lục Ngạn" năm 2022.
“Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của huyện nhằm tạo đầu ra ổn định.
Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, trái vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang trên 30 nước, đặc biệt đã xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc”- ông La Văn Nam nói.
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền – Phó Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch Hà Nội chia sẻ, sau khi khảo sát hồ Cấm Sơn và vườn vải thiều là điểm hấp dẫn du khách của huyện Lục Ngạn, với ấn tượng về sản phẩm địa phương 4 mùa hoa trái, cùng với nét đặc sắc của đông đảo đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống trên địa bàn.
“Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa được đồng bộ với điểm đến du lịch, thông tin tham khảo còn chưa rõ ràng, mạch lạc. Đầu tư dịch vụ trong du lịch rất quan trong, 10 năm qua dịch vụ chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có” - chị Hiền nói.
Anh Lưu Văn Tiến – Giám đốc làng văn hóa dân tộc Đông Bắc cho biết, muốn Lục Ngạn cất cánh thì con người làm du lịch phải năng động, trau dồi kinh nghiệm… Trong khi đó, khâu tổ chức ứng tuyển nhân lực được 100 người nhưng khi qua đào tạo, chọn lọc chỉ 3-4 người đáp ứng được khối lượng công việc đề ra, nhưng vẫn còn rất nghiệp dư và non kém.
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị xúc tiến.
“Qua hội nghị tôi đề nghị người nông dân phải là người hướng dẫn viên du lịch, chính quyền tổ chức hội nghị xúc tiến để nói chuyện với người dân địa phương về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Lục Ngạn. Đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm trường hợp chặt chém khách du lịch, qua đó để định hướng phát triển du lịch một cách khoa học, bền vững” - anh Tiến thông tin.
Ngoài ra, chị N.T. Thu, một doanh nghiệp dịch vụ du lịch cho biết, hồ Cấm Sơn có vị trí đẹp và được thiên nhiên ưu đãi cho phát triển, tuy nhiên vẫn còn hoang sơ, muốn thu hút được khách du lịch cần phải cải tạo hồ rất nhiều. Ví dụ như phát triển thêm thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quanh hồ Cấm Sơn, cho thuê căn hộ gia đình…
“Hồ Cấm Sơn có thực phẩm chế biến tại lòng hồ rất tốt, nhưng quy cách phục vụ còn gặp nhiều hạn chế, thiếu sự chuyên nghiệp trong khâu tiếp đón, tổ chức đoàn khách lớn… Khu lưu trú nghỉ dưỡng đi kèm còn chưa chú trọng nhiều. Để phát triển du lịch huyện Lục Ngạn cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu xung quanh để níu chân du khách đến Lục Ngạn” - chị Thu chia sẻ.
Hồ Cấm Sơn được ví như Hạ Long trên cạn của Bắc Giang.
Phát biểu kết luận Hội nghị xúc tiến du lịch và phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022, ông Nguyễn Việt Oanh – Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, Lục Ngạn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay chưa được khai thác, phát triển tương xứng.
“Trong nhiệm kỳ này, huyện Lục Ngạn tập trung xây dựng và phát triển không gian du lịch sinh thái - cộng đồng vùng cây ăn quả trọng điểm; không gian du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - giải trí hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; không gian du lịch văn hóa - tâm linh. Đồng thời lựa chọn các điểm trọng tâm để đầu tư phát triển du lịch tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Sơn….”, ông Oanh nói.
Ngoài ra, huyện Lục Ngạn tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch; liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, đơn vị; tăng cường đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch và phát triển các ngành dịch vụ, lĩnh vực hỗ trợ phát triển du lịch./.
CTV Văn Giang - Nguyễn Kế