Quảng Nam: Sông Tiên chảy ngược lên rừng

Cập nhật: 15/06/2022
Do chảy qua vùng đất có địa hình đồi núi, dốc cao của dãy Trường Sơn nên sông Tiên lắm thác ghềnh bung tỏa nhiều vẻ đẹp. Hành trình khám phá dáng hình của sông mở ra thêm nhiều câu chuyện lý thú. Đây là dòng chảy biểu tượng cho vùng đất và con người huyện trung du Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam).

Đá xếp tầng trên một đoạn sông Tiên.

Về quê vì nhớ sông quê

Theo câu thơ cũ, chúng tôi bước vào vùng đất sông Tiên: “Nào có chi đâu mà thương mà nhớ/ Núi thì núi Ngang, đèo Liêu, Eo Gió/ Một tiếng chim kêu cũng lượn dốc trập trùng...”. Và với người Quảng Nam thì cho rằng: “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Lấy chồng Tiên Phước chẳng mong ngày về”!

Sông Tiên có chiều dài xấp xỉ khoảng 6 km, chiều rộng đôi bờ trung bình 100m. Sông khởi nguồn từ các khe suối, thác nước của dãy núi thuộc địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh và nhánh còn lại từ huyện Bắc Trà My hợp lưu thành dòng chảy.

Trên hành trình chảy ngược của mình, sông hòa dòng với nhiều con sông, suối nhỏ ở nhiều khu vực như sông Cà Đong (Tiên Thọ), sông Đá Giăng (Tiên Cảnh), suối Bình An (Tiên Kỳ) và nhiều suối nhỏ ở Tiên Cẩm, Tiên Hà. Ở nơi đầu nguồn, con sông có tên là sông Quế Phương. Dòng Quế Phương xuất phát từ xã Tam Lãnh chảy đến khu vực huyện Tiên Phước tại xã Tiên Lộc. Nhánh còn lại của sông Tiên từ Bắc Trà My đổ về gặp nhánh nhỏ từ Tiên Lộc chảy ra được người dân địa phương đặt tên là sông Tiên. 

Tại đây, sông Tiên len lỏi qua địa bàn các xã Tiên Lộc, Tiên Kỳ, Tiên Cẩm, Tiên Châu, Tiên Hà. Từ cầu sông Tiên, dòng sông chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc ngược về hạ lưu qua xã Tiên Hà, đoạn sông này được gọi là sông Khang rồi hòa vào sông Thu Bồn để về Cửa Đại.

Sông Tiên mang một nét cá tính mạnh mẽ. Dòng chảy len qua vài khe đá. Thác đá ghềnh bọt trắng xóa cuộn lên. 

Phía tả ngạn sông Tiên là nơi có ngôi làng cổ Lộc Yên quanh năm mát mẻ, ngõ đá rêu phong, hàng rào chè tàu sum suê. Người dân trong làng tự hào khi họ là chủ nhân những ngôi nhà có tuổi đời hơn 150 năm tuổi như các ngôi nhà của hai anh em ông Nguyễn Đình Hoan, Nguyễn Đình Sưu. Ở bờ bên kia sông là thị trấn Tiên Kỳ đang ngày càng phát triển. Cuộc sống người dân đã thay đổi đi lên, bờ kè dọc sông Tiên được đổ bê-tông kiên cố tạo vẻ mỹ quan đôi bờ sông. 

Nghỉ chân tại một quán nước đầu cầu sông Tiên, chúng tôi gặp gia đình ông Phan Xuân Thanh, 62 tuổi, từ TP Hồ Chí Minh cũng đang trên đường về thăm quê hương Tiên Cảnh của họ. Cuộc trò chuyện đôi mươi phút mới biết gia đình này đã hai năm qua chưa về Tiên Cảnh. “Lâu rồi gia đình chúng tôi mới về lại quê, mấy đứa cháu cứ nói tôi tranh thủ hè này chở tụi nó về tắm nước sông Tiên. Thời tôi còn nhỏ ở đây, cứ chiều chiều lại ra lội dọc sông bắt cá lên bờ nướng ăn. Chừ không biết sông Tiên còn cá cho sắp nhỏ bắt không nữa”, ông Thanh cười bảo.

Ông Thanh vẫn nhớ như in những địa danh như Chăng Lớn, Chăng Nhỏ, Bãi Lội đã gắn bó với ông từ khi còn nhỏ. Dòng chảy của sông Tiên tuy ngắn nhưng nó là một phần ký ức của người dân xứ Tiên này. Đá dưới sông có thể mòn theo năm tháng nhưng tình cảm của con người dành cho dòng sông quê hương sẽ còn mãi.

Nát dòng chảy vì đá chồng, đá lấn...

Trên đường đến với danh thắng Lò Thung, ghé vào làng Lộc Yên, một không gian vườn cây trái xanh ngát giữa đồi núi trập trùng. Mảnh đất bên bờ con sông Tiên bao quát đủ mọi không gian. Mấy dãy ruộng bậc thang ăn sát vào chân núi, đám ruộng dưới cùng lấn ra tận mép sông. Nước xô vào bờ đá, đá lấn sâu vào ruộng. Sông Tiên bao đời gắn bó với Tiên Cảnh là vậy. 

Chúng tôi đi dọc theo con đường bê-tông tìm lối xuống bãi đá Lò Thung, một địa điểm nổi tiếng trên dòng sông Tiên. Từ xa đã nghe tiếng nước chảy róc rách. Trời đứng trưa, thấy có người lạ tìm đường, cô Lê Thị Thủy, 46 tuổi, trú xã Tiên Cảnh đang hái lá mùng 5 liền dừng tay nhiệt tình chỉ lối đi qua bãi đá giữa sông. Dọc theo triền đá hai bờ sông Tiên mùa này có rất nhiều lá dung, là một loại lá mà theo lời cô Thủy sẽ dùng để giải nhiệt, rất tốt cho sức khỏe. “Mấy bữa nay bắt đầu có người hỏi mua lá dung, tranh thủ sáng đi làm đồng về còn sớm là tôi ghé luôn chỗ bãi đá này hái cũng được hai bao lớn lá để trên xe rồi. Đứng trưa mới hái được mà lá toàn mọc ngoài bờ đá, đi trên mấy phiến đá nóng hực lên mệt đuối”, cô Thủy thở dốc nói.

Khúc sông Tiên chảy qua Lò Thung này trải dài tít tắp toàn đá. Vậy nên, cái tên “vương quốc đá” trên dòng sông Tiên cũng từ đó mà được dân trong vùng đặt ra. Đá phiến to, phiến nhỏ, đủ hình thù lô xô chen chúc nhau. Dòng chảy qua đoạn này phải len lỏi qua nhiều khe đá nên tốc độ con nước bị chậm lại. Chỉ tay về khoảng nước rộng giữa dòng, cô Thủy cho biết, nhìn bằng mắt thường sông Tiên có vẻ chảy chậm nhưng vào những ngày mưa trên núi đổ về, mực nước có thể đột ngột dâng lên thêm gần một mét. Thật vậy, nhìn vào những vết phù sa còn bám trên vách đá sẽ hiểu dòng Tiên dữ dội như thế nào. Một, hai, rồi ba… vũng nước sâu hàng nghìn năm mát lạnh. Nước chảy thì đá cũng mòn, thực tế đó tạo nên những dáng vẻ lạ mắt trên từng tảng đá ở Lò Thung. Có những tảng đá mang hình thù kỳ dị như bàn chân một người khổng lồ in xuống, hay như một cái cối mòn nhẵn bóng. Thấp thoáng giữa dòng sông là một hình ảnh phiến đá mỏng có hình vây cá. Những người sống ven sông Tiên gọi đó là vây cá heo hay là một chú cá niên đang cố bơi ngược dòng, loài cá dẻo dai đặc biệt chỉ có ở những con sông miền núi như sông Tiên. 

“Sông Tiên mùa này có đặc sản gì không cô?”. “Bữa nay thì đang vào mùa ốc đá sinh sản nên ốc ngon lắm. Nhưng mà chỉ thấy ốc vào ban đêm thôi. Ban ngày trời nắng ốc lặn hết”, cô Thủy bảo. Trước khi chia tay chúng tôi, cô Thủy nhiệt tình chỉ về hướng có những tảng đá hình dáng đẹp để những khách thập phương như chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp sông Tiên. 

Vào mùa hè, nước từ các con khe, suối ít đi, dòng sông Tiên vì vậy cũng cạn đi hẳn. Vài đụn cát vàng nổi lên là lối đi qua lại giữa hai bờ sông. Đá ở sông Tiên cũng lạ kỳ. Dù không phải do bàn tay con người sắp xếp, vậy mà đoạn sông nằm ở phía tây cầu treo sông Tiên là những hàng đá thẳng tắp chắn ngang sông tựa kiểu ruộng bậc thang. Ngắm nhìn dòng sông Tiên từ mỗi mỏm đá mở ra từng góc nhìn lạ lẫm. Thời điểm này, nước từ nguồn đổ về rất ít, lại phải vượt qua bao ghềnh đá, bậc thềm, hành trình sông Tiên ngược về với dòng sông Thu Bồn đang đợi phía dưới hạ lưu lại càng lâu hơn. 

“Có gì không mà sông tình vấn vương/ Người lữ khách muốn vượt qua ngõ cũ/ Ánh mắt đôi môi nụ cười duyên ấy/ Khi trở về… anh mãi nhớ sông Tiên”, nhà thơ Hồ Nghĩa Phương đã đắm say vẻ đẹp đơn sơ trong nhiều cung bậc cảm xúc của vùng đất ven sông Tiên để viết nên bài thơ “Gửi nhớ sông Tiên”.

Khung cảnh thị trấn ven sông lúc chiều tà lãng đãng mây khói miền trung du vừa nên thơ cũng lắm vẻ quyến rũ. Chiều tối, trời kéo mây giông vần vũ một vùng Tiên Phước. Nhiệt độ không khí bên dòng sông Tiên giảm đột ngột, tạm xa xứ Tiên theo tỉnh lộ ĐT614, chút bồi hồi khi phải chia tay với vẻ đẹp của một “nàng tiên” sông nước. Hẹn một ngày tái ngộ với sông Tiên…

Tiên Phước, nơi có dòng sông Tiên chảy qua đã sinh ra những danh nhân trong lịch sử dân tộc Việt Nam như Phan Châu Trinh, Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Tựu… Trong ba chí sĩ sáng lập ra phong trào Duy Tân thì có hai người xuất thân từ Tiên Phước là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Những tộc họ sống lâu đời ven dòng sông Tiên đến nay vẫn tiếp tục gìn giữ truyền thống khuyến học, khuyến tài như tộc Lê, tộc Huỳnh với nhiều thế hệ trẻ đỗ đạt cao.

Bài và ảnh: Trường Mai

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 14/06/2022