Thanh Hoá: Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 15/06/2022
Khu vực miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú. Từ xưa đến nay, dệt thổ cẩm vốn là một trong những nghề truyền thống của đồng bào. Bởi vậy, những năm qua nhiều địa phương ở các huyện miền núi đã quan tâm giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Xã Thạch Lâm (Thạch Thành) quan tâm giữ gìn nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch.

Thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, trong lành, nơi đây không chỉ là điểm tham quan, khám phá thu hút đông du khách mà còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm vẫn được bà con giữ gìn và phát huy. Dọc hai bên đường bê tông uốn lượn là những ngôi nhà sàn xinh xắn của đồng bào dân tộc Thái. Vừa đến đầu ngõ chúng tôi đã nghe lách cách tiếng con xe gõ vào khung dệt. Chị Lò Thị Minh, người trong thôn cho biết: ở đây đa số người dân từ già đến trẻ đều biết dệt thổ cẩm, bởi với người dân tộc Thái thì biết dệt thổ cẩm không chỉ là phong tục đẹp mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Với tôi, ngay từ thuở nhỏ đã được mẹ dạy dệt những hoa văn đầu tiên. Rồi chỉ vài năm sau tôi đã dệt thành thạo các loại hoa văn sặc sỡ trên váy, áo, khăn hay chăn. Để có được một sản phẩm thổ cẩm đẹp, phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Trước hết, là phải lựa chọn sợi, kéo khung, lên khung, chọn mẫu các loại hoa văn và cài hoa văn lên sẵn. Trước kia, nghề dệt thổ cẩm ở đây chỉ gói gọn trong các sản phẩm may mặc như: chăn, màn, khăn, gối, quần áo... thì giờ đây, cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng trong thôn, để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, chúng tôi đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như: túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ. Cũng nhờ nghề dệt truyền thống được giữ gìn và phát huy mà tôi và nhiều chị em trong thôn đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cũng là một trong những hộ còn lưu giữ được 2 khung cửi, bà Hà Thị Dân, thôn Lặn Ngoài cho biết: là người sinh ra tại thôn, tôi biết dệt từ năm 13 tuổi, đến nay tôi vẫn gắn bó với nghề. Gia đình hiện có 2 khung cửi, thế nên cứ hễ ai rảnh thì lại ngồi dệt. Ngoài việc làm ra các sản phẩm đa dạng, mẫu mã tinh tế, chúng tôi còn chú ý tới chất lượng sản phẩm để khẳng định giá trị và vị trí của dệt thổ cẩm nơi đây tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê, đến nay thôn Lặn Ngoài còn 81 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 chị em phụ nữ tham gia. Thu nhập từ dệt thổ cẩm trung bình mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng/người. Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của xã và huyện Bá Thước.

Tại những bản người Mường của xã Thạch Lâm (Thạch Thành), nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng các mẫu mã, chủng loại được bày bán ở khắp các lối đi dưới chân cầu thang nhà sàn. Hầu như ai có dịp đến Khu Du lịch thác Mây, khi trở về đều không quên mua cho mình những món quà làm bằng thổ cẩm. Tuy món quà mộc mạc, dân dã, nhưng mang đậm nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa dân tộc vùng cao. Ông Bùi Văn Năng, cán bộ văn hóa xã Thạch Lâm chia sẻ: với đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, nên xã đã đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch. Nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã hiện nay cũng có nhiều thế mạnh để phát triển do từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc Mường và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với việc làm ra sản phẩm theo hướng truyền thống đồng bào nơi đây luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm để tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và quảng bá nét đẹp văn hóa, con người nơi đây tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, xã cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách; khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống của địa phương cho người dân nhất là lớp trẻ.

Nhiều địa phương khác trên địa bàn các huyện miền núi cũng đang giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, năm 2015, UBND tỉnh đã có Quyết định 4620/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, có bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy; hỗ trợ 7 làng nghề dệt thổ cẩm gồm: làng nghề dệt thổ cẩm bản Chai, bản Cang, xã Mường Chanh; làng nghề dệt thổ cẩm bản Sáng, bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát); làng nghề dệt thổ cẩm bản Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy).

Có thể nói, tiềm năng phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay là khá lớn. Bởi, dệt thổ cẩm chính là nghề truyền thống gắn với người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Bởi vậy, đa số bà con đều muốn học và theo nghề. Cùng với đó, nguồn nhân lực có tay nghề trong dệt thổ cẩm còn nhiều, có thể dễ dàng để truyền dạy lại cho lớp trẻ. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nghề dệt thổ cẩm hiện đang gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững. Chủ yếu là do, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các mô hình làng nghề ‘khép kín” để tạo thành chuỗi giá trị và khai thác sự đa dạng về hoa văn để tạo nên những sản phẩm truyền thống độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhất là thiếu hụt “bản sắc” của sản phẩm thổ cẩm dẫn đến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Bởi vậy, theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, để nghề này phát triển mạnh, cần hơn hết là phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống với bạn bè, du khách mà còn phải tạo điều kiện cho người tham gia làm nghề được học hỏi, giao lưu với nghề dệt thổ cẩm của các tỉnh khác nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn: Báo Thanh Hóa - baothanhhoa.vn - Đăng ngày 15/06/2022