Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam. Bởi đứng trước nguy cơ biển, đại dương đang đối mặt với những đe dọa và rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, khai thác quá mức tài nguyên…nếu các quốc gia không hành động kịp thời thì nhiều vùng đảo, vùng ven biển và các hệ sinh thái tự nhiên sẽ biến mất vào năm 2100. Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh chính là “chìa khóa” hướng đến sự thịnh vượng và đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Bài 1: Kinh tế biển xanh – nền tảng cho sự phát triển bền vững
Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển theo Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì việc xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng quan trọng. Đây cũng là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tiềm năng dồi dào, tầm nhìn dài hạn
Biển là cái nôi của sự sống, là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.
Kinh tế biển xanh được hiểu là sử dụng một cách bền vững các nguồn đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm cũng như sức khoẻ của hệ sinh thái đại dương |
Báo cáo "Kinh tế biển xanh – hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cũng chỉ rõ, với vị trí thông thương, Biển Đông nằm trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á và Trung Đông – châu Á. Tuyến hàng hải qua Biển Đông là một trong những tuyến giao thương hàng hải quốc tế sầm uất nhất trên thế giới. Sự phát triển của nhiều nền kinh tế ở Đông Á đều gắn liền với tuyến đường biển này. Trong khi đó, bờ biển Việt Nam có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển.
Báo cáo cũng chỉ rõ, Việt Nam có ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn trong khu vực, với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trịnh kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Hơn thế nữa, các vùng biển và hải đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.
Theo Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nguồn lợi thủy sản ven bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính bao gồm: Vịnh Bắc bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản, vùng duyên hải miền Trung chiếm 20,0%, vùng Đông Nam bộ chiếm 25,6%, vùng Tây Nam bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.
Có thể thấy Việt Nam là quốc gia có có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000 ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp để phát triển nuôi biển. Đến nay, khoảng 57.000 ha đã được sử dụng cho nuôi biển, 443.000 ha còn lại vẫn ở dạng tiềm năng, đặc biệt là các khu biển vùng bờ và vùng lộng.
Ngoài ra, trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và đá bán quý, và khoáng sản lỏng. Tiềm năng dầu khí phân bố trong các bể trầm tích…
Các vùng biển và hải đảo Việt Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Dọc bờ biển, có hơn 120 bãi tắm có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế…
Với vị trí địa lý như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước.
Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững kinh tế biển.
Cùng với những lợi thế trên, nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cả hai Nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xác định việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Từ thời điểm Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan nhằm xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động, nhiệm vụ, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan, bước đầu đã đem lại những kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Cơ hội đi cùng thách thức
Trong tình hình hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay chưa bền vững. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi các vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…
Báo cáo "Kinh tế biển xanh – hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" cũng chỉ rõ: Vùng biển và ven biển là đối tượng chịu nhiều rủi ro về thiên tai. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và hậu quả của biến đổi khí hậu như bão và nước biển dâng trong bão được đánh giá là có nhiều khả năng chịu tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương.
Theo Ngân hàng Thế giới, nước biển dâng 5m sẽ khiến Việt Nam mất 16% diện tích đất liền, đe dọa 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội. Các vùng đất thấp ven biển, các rạn san hô vòng cùng hàng loạt hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng bị phá hủy do ngập lụt.
Tại Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đối khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Đại dương của chúng ta đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường.
“Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Vì vậy, theo Phó Thủ tướng việc phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhiều khu rừng ngập mặn có tác dụng chắn sóng đang bị tàn phá bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng khẳng định: Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, chiếm tỷ trọng lớn và phân hủy lâu nhất là rác thải nhựa.
“Tất cả chúng ta cần xem đây là thời điểm khẩn cấp cho hành động với tinh thần "quyết liệt" và "cấp bách" để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương”, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, song nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng nước ta đang trong giai đoạn phát triển, do đó cần phải có giải pháp trọng tâm, trọng điểm - tức là vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế song cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
(Còn nữa)
Bích Liên