Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đang đồng loạt triển khai các chương trình, kế hoạch hành động nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, đô thị xanh thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương này đang triển khai thực hiện quy hoạch không gian đô thị; đồng thời, thực hiện phân vùng phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng vào trong các quy hoạch, kế hoạch của từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường bảo tồn hệ sinh thái, ứng phó BĐKH, nước biển dâng đang gia tăng.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, năm 2022, địa phương này tập trung quy hoạch chung của thành phố đến 2030, tầm nhìn đến 2050; lập quy chế quản lý kiến trúc, đồ án quy hoạch chi tiết đảm bảo chất lượng làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng, mời gọi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị ứng phó với BĐKH, đô thị tăng trưởng xanh.
Cần Thơ tập trung các giải pháp nhằm phát triển đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho các vùng chuyên trồng lúa, nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng phương thức canh tác sử dụng phân bón, nguồn nước, hợp lý, tiết kiệm, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, TP Cần Thơ tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất; xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng mặt trời; lựa chọn những dự án ít phát thải khí nhà kính; đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục để chủ động trong việc đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước thải, khí thải.
Đồng thời, địa phương này nhanh chóng triển khai phương án đưa các khu, cụm công nghiệp ra ngoài khu dân cư; xây dựng các trung tâm thương mại dọc theo tuyến sông Hậu đảm bảo đấu nối với hệ thống giao thông liên vùng, góp phần giảm chi phí đầu tư, đảm bảo các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
Bờ kè sông Thốt Nốt được đầu tư xây dựng góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, ứng phó với BĐKH. Ảnh: Hà Văn
Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ BĐKH, nước biển dâng trong phát triển kinh tế-xã hội, TP. Cần Thơ đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn, triển khai đầu tư những công trình, dự án trọng điểm để ứng phó như: các dự án kè sông Cần Thơ, sông Thốt Nốt, sông Ô Môn, rạch Cái Sơn...; đồng thời, triển khai nạo vét hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi nhằm tăng cường không gian xanh, không gian mặt nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, nước biển dâng cho thành phố.
Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, ứng phó cao với BĐKH, địa phương này đang tiếp tục triển khai Chương trình BVMT “Cần Thơ xanh và sạch” phòng, chống ô nhiễm môi trường và ngập, nghẹt nước trên địa bàn thành phố, giai đoạn năm 2022 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt tại đô thị đạt 100% và 95% tại khu vực nông thôn; 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định.
Đồng thời, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường; kiểm soát chặt chẽ 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% đường đô thị và đường qua khu dân cư ngoài đô thị có hệ thống thoát nước mưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tỉ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đạt 75%;
Cùng với đó, TP Cần Thơ sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời, nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường, góp phần giữ vững danh hiệu Thành phố ASEAN bền vững môi trường.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tiếp tục thực hiện một số dự án bảo vệ môi trường cho khu vực đô thị và nông thôn như: dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở khu vực đô thị; dự án xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ ở khu vực nông thôn.
Lê Vân