Đà Nẵng đã có gần 20 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp. Thành phố này có chủ trương thí điểm phát triển du lịch trên đất nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc xây dựng cơ sở lưu trú gắn với bảo vệ môi trường.
Khuôn viên homestay của ông Đinh Văn Như, ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang rộng hơn 700 m2 được bao bọc bởi khe suối, núi đồi. Homestay được thiết kế đơn giản kiểu nhà sàn 2 tầng; tầng 1 là sảnh đón khách, khu ăn uống và sinh hoạt chung; tầng 2 là phòng nghỉ sức chứa 25 khách. Cách trang trí homestay nhẹ nhàng với tre gỗ, đá và các đồ dùng truyền thống của người Cơ Tu. Khi mô hình du lịch homestay ra đời, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hoà Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng gồm 45 thành viên, do ông Đinh Văn Như làm Tổ trưởng. Tổ này chia ra các nhóm ngành nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, cồng chiêng.
Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng.
Bà Đinh Thị Tin ở thôn Giàn Bí cho biết từ khi có mô hình du lịch homestay, bà con tham gia dệt thổ cẩm, may các sản phẩm như ví, áo, túi xách… phục vụ du khách, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vừa nâng cao cuộc sống. Khách du lịch đến xem dệt, mua khăn giúp bà Tin kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng/tuần.
Đến đây, du khách không chỉ nghỉ ngơi thư giãn mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán, văn hoá của người Cơ Tu qua các điệu múa “Vũ điệu dâng trời”, múa cồng chiêng, hát lý, tắm suối, lên nương rẫy, tham quan nghề dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng thức đặc sản của địa phương. Đêm xuống, khách đắm mình trong các điệu múa cồng chiêng, hát giao duyên bên ánh lửa bập bùng… Năm 2009, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đã chọn 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc thí điểm làm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Được huyện hỗ vay vốn để thành lập mô hình du lịch sinh thái, ông Đinh Văn Như cho biết: “Dịch bệnh được kiểm soát bà con mình tiếp tục đón khách, dẫn khách đi tham quan trải nghiệm. Có việc làm giúp cuộc sống bà con có cái ăn, cái mặc và đỡ khổ hơn. Vào ngày lễ hay thứ 7, Chủ nhật lượng khách đến đông và quá tải nên sắp tới sẽ nhân rộng cho các hộ khác để làm, có thêm thu nhập. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm cơ chế, cách để làm nhà lưu trú, có thêm nhiều dịch vụ như mát xa chân, tắm thuốc bắc của đồng bào để tạo thêm thu nhập cho đồng bào Cơ Tu”.
Từ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của ông Đinh Văn Như, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Hoà Bắc đã học tập làm theo. Chị Zơ Râm Thị Hồng, ở thôn Giàn Bí, xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang cho biết, chị vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, bước đầu có thu nhập đáng kể: “Khách mà tới nhiều thì chúng tôi được hưởng lợi nhiều. Mình dẫn họ đi, nấu cho họ ăn uống để có tiền đỡ hơn lên rẫy, lên nương. Nhờ vậy cuộc sống của đồng bào Cơ Tu đỡ hơn nhiều”.
Khách du lịch tham quan Tổ dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có gần 20 điểm du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh. Trước việc nở rộ các cơ sở du lịch cộng đồng trên địa bàn, UBND huyện Hoà Vang đã chỉ đạo các xã lắp đặt biển cảnh báo an toàn ở những nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với hoạt động du lịch của các nhóm tự phát, địa phương tăng cường tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang từ nay đến năm 2025. UBND huyện Hoà Vang đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chấm chọn cụ thể. Theo đó, các mô hình được lựa chọn thí điểm phải tuân thủ các nguyên tắc như: khai thác không gian theo hướng bảo vệ, không phá vỡ cảnh quan chung, không gây ô nhiễm nguồn nước và không thay đổi kết cấu cây trồng, đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết thêm: “Chính sách phát triển du lịch cộng đồng có đề án của thành phố đã được phê duyệt rồi, hỗ trợ cho người dân vay vốn ưu đãi, hướng dẫn du lịch, cam kết các tiêu chí về môi trường, cảnh quan về an ninh trật tự… thì huyện mới cho hoạt động, cho mỗi xã 1 đến 3 mô hình; đến năm 2025 tổng kết, huyện sẽ đề xuất thành phố phát triển loại hình này”.
Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang được triển khai với số lượng không quá 15 mô hình. Việc thí điểm khai thác du lịch theo mô hình này hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Vang.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố tập trung xây dựng vùng này trở thành những điểm nông nghiệp xanh gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
“Mô hình này tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi ngành nghề. Lâu nay xã Hoà Bắc ít ai biết đến, nhưng đến nay kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là điểm đến đó thu hút khách rất đông, cố gắng quản lý cho tốt, tránh trường hợp ô nhiễm gây ra huỷ hoại về môi trường. Nghị quyết HĐND cũng chỉ cho 15 mô hình, lựa chọn các mô hình và công khai minh bạch việc này. Đầu tư kinh doanh khai thác ở đây là cho thí điểm trên đất nông nghiệp” - ông Trần Phước Sơn nói./.
Tuyết Lê