Bài 2: Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ cửa biển bằng cấu kiện lắp ghép

Cập nhật: 17/06/2022
Biến đổi khí hậu (BĐKH) tạo ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội tại các tỉnh ven biển nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Vì vậy, hơn bao giờ, cần phải có giải pháp kịp thời cho khu vực này để phát triển bền vững và chống chịu, tự phục hồi trước những diễn biến bất thường của BĐKH…. Giải pháp cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, đê biển được ứng dụng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giải quyết tình trạng xói lở khu vực cửa sông và vùng ven biển cho bà con nơi đây.

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển hiệu quả. Là một quốc gia biển, Việt Nam đã và đang đặc biệt coi trọng vai trò, tiềm lực của khoa học công nghệ trong việc phát triển kinh tế biển bền vững. Thời gian qua, nhiều giải pháp, công trình khoa học phục vụ phát triển kinh tế biển, bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã được nghiên cứu, triển khai và đạt những thành tựu nhất định, trong đó phải kể đến Giải pháp cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, đê biển được ứng dụng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Có mặt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữa cái nắng oi ả trong ngày hè tháng 5, chúng tôi được chứng kiến và tìm hiểu về những ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển" của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện để bảo vệ bờ sông, bờ biển của tỉnh.

Tại đây, Busadco ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim vào công trình tuyến kè bảo vệ bờ biển Dự án khu du lịch Làng Chài Resort -xã Phước Thuận; kè bảo vệ hạ lưu bờ sông Ray – xã Phước Thuận; kè phá sóng bờ, bây bồi tạo bãi xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc và thí điểm kè sông Dinh.

Đây cũng chính là giải pháp thuộc đề án khoa học công nghệ “Thí điểm ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Giải pháp từ đề án này đã giải quyết được những bất cập trong công tác chống sạt lở, xói mòn, chắn sóng, tạo bờ, quai đê lấn biển.

Đây chính là lời giải cho bài toán mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trăn trở trong nhiều năm trước tình trạng xói lở ven bờ, đặc biệt là các khu vực cửa sông và vùng ven biển.

Kết cấu lắp ghép: Lời giải cho bài toán khó

Có mặt tại khu vực đoạn sông Dinh thuộc phường Phước Trung, TP. Bà Rịa - nơi thường xuyên bị sạt lở, mỗi năm lại ăn vào đất liền hàng chục mét khiến bờ sông nham nhở và hiểm nguy rình rập, chúng tôi được tận mắt chứng kiến, đến nay nhờ ứng dụng công nghệ của Busadco đoạn kè cấu kiện lắp ghép bằng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim nối dài 100m đã giúp bờ sông Dinh ổn định, không còn bị sạt lở như trước. Nhìn từ phía lòng sông lên và từ Quốc lộ 51 qua, đoạn sông này trở nên vững chãi như bức tường rào, bởi những cấu kiện bê tông.

Kỹ thuật kè của Busadco có thiết kế cong lên khi sóng đánh sẽ hạn chế ảnh hưởng đến đất liền.

Đánh giá về công nghệ này, ông Đỗ Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, hiện tượng xói lở đang diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt tại các đoạn bờ biển Hồ Cốc, Hồ Tràm, lân cận khu resort An Hoa - Long Hải và cửa sông Dinh, Cửa Lấp… Sự gia tăng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cùng các hoạt động nhân tạo của con người đã làm thay đổi cán cân bồi tích ở bờ biển. Diễn biến phá hủy đang xảy ra trên toàn bộ chiều dài bờ biển, bờ sông, đến các công trình ven bờ và gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, làm tăng chi phí khắc phục và hạn chế tác hại của xói lở bờ biển.

Từ thực trạng đó, tháng 10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2916/QĐ-UBND đặt hàng Busadco thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Dự án thử nghiệm xây dựng một đoạn bờ kè sông và biển với chiều dài 100m tại sông Dinh, thuộc phường Phước Trung (TP. Bà Rịa) và một đoạn bờ biển Hồ Cốc, huyện Xuyên Mộc.

Đến tháng 11/2020, các tuyến kè sông, kè biển với công nghệ cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học Công nghệ của tỉnh, trong bối cảnh công nghệ chống xói lở bờ biển không đáp ứng yêu cầu, việc ứng dụng thành công “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” do ông Hoàng Ðức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco cùng các cộng sự nghiên cứu, sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Công nhân thiết kế, thi công làm kè biển

Sản phẩm sử dụng cấu kiện bê tông thành mỏng ruột rỗng, kết cấu không dùng thép, liên kết kiểu lắp ghép, bố cục hình khối, kiểu dáng đa dạng, đa kích cỡ. Giải pháp này được thiết kế mở, thi công dễ dàng trong điều kiện bùn nước và chi phí giảm khoảng 20-30% so với kết cấu truyền thống và các phương pháp khác.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sự gia tăng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cùng các tác động nhân tạo của con người đã tác động xấu đến bờ biển và gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của ngư dân trong vùng. Sản phẩm trên đã và đang từng bước giải quyết tình trạng này.

Đặc biệt, tính ưu việt của giải pháp là tận dụng được vật liệu cát đắp sẵn ở các bãi biển; có khả năng chống sạt lở, xói mòn, chống ăn mòn, chống xâm thực cao hơn và bền vững hơn.

Sau khi thực hiện thí điểm công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển ở bờ sông Dinh đạt hiệu quả cao, loại kè thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ khu vực sông Dinh, đến tháng 12/2020, tuyến kè bảo vệ bờ biển Dự án khu du lịch Làng Chài Resort Xuyên Mộc cũng được nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư với chiều dài 400m (giai đoạn 1) và 211m bờ biển (giai đoạn 2). Hiện nay, Busadco đang tiếp tục sản xuất cấu kiện kè bê tông phi kim đúc sẵn để thi công lắp đặt cho đoạn kè phá sóng xa bờ, bãi bồi tạo bãi với cao trình 1,5m, tổng chiều dài 200m tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc và 1,4km kè sông Ray cho các chủ đầu tư ngoài nhà nước.

Sống tại Làng Chài xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Đinh Thị Bảo Thúy  cho biết: Trước khi làm kè này người dân chúng tôi ở đây rất lo lắng. Thường vào ban đêm, tầm 2-3h sáng sóng lớn khủng khiếp, người dân nơi đây đều phải thức để canh, trực xem sóng đánh tới đâu và có bị ảnh hưởng gì về cơ sở của mình không? Có những hôm sáng ra thấy các cơ sở, nhà xưởng của mình bị ảnh hưởng hết, sụt lún các nền bên trong.

“Đã có 4 đơn vị vào đây khảo sát đều không dám nhận, vì nơi đây gần cửa biển, sóng lớn, chỉ có Busadco đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của khu vực này. Kỹ thuật kè của Busadco có thiết kế cong lên khi sóng đánh không ảnh hưởng gì vào bờ. Công trình chắc chắn, kiên cố vững bền lâu dài. Từ khi làm xong kè này, tôi và người dân nơi đây yên tâm hơn, không phải lo hay thấp thỏm những đêm sóng đánh sạt lở các cơ sở hạ tầng của mình gần ven biển”, bà Bảo chia sẻ.

Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo chia sẻ về công trình kè biển.

Theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng và các nhà khoa học, sản phẩm của Busadco đã khắc phục được hầu hết điểm yếu của các giải pháp truyền thống cho công trình kè, tường chắn bảo vệ bờ và biển ở nước ta. Tính ưu việt của giải pháp này là tận dụng được vật liệu cát đắp sẵn ở các bãi biển; có khả năng chống sạt lở, xói mòn, chống ăn mòn, chống xâm thực cao hơn và bền vững hơn. Do đặc tính mỏng và nhẹ nên sản phẩm có thể đúc sẵn, lắp ghép đơn giản và chi phí thấp, rất phù hợp với công tác chống xói lở tại Việt Nam.

Công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông sau khi đã hoàn thành.

Với tính ưu việt trên, giải pháp công nghệ của Busadco, được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Bộ Khoa học và Công nghệ và Câu lạc bộ nhà báo Khoa học và Công nghệ bình chọn là 1 trong 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật trong nhiều năm. Đến nay giải pháp này đã ứng dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các khu vực ven biển.

Xúc động nói về những công trình kè biển giúp bà con chắn sóng, thoát khỏi tình trạng sụt lún nơi đây, Tổng giám đốc Busadco, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo cho biết: Thời gian qua, khoa học và kỹ thuật bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đến nay vẫn chưa có những tổng kết đánh giá một cách toàn diện, đúc rút các kinh nghiệm, nhằm đưa ra các công trình mang lại hiệu quả cao cả về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường, chưa có các phân tích xem xét hướng phát triển các loại công trình này để từ đó có định hướng cho các nhà thiết kế, thi công công trình.

Đây cũng chính là lý do Busadco thực hiện đề tài “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, nhằm đề xuất các giải pháp công nghệ chống sạt lở bờ biển phù hợp với điều kiện từng vùng cụ thể, vừa đảm bảo yêu cầu chống sạt lở một cách bền vững, vừa thân thiện với môi trường.

Công nghệ bê tông cốt phi kim là giải pháp kè gây bồi tạo bãi, quây đê lấn biển. Việc sử dụng cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển, tạo ra các bờ bao có nhiều hình dạng kích thước khác nhau kết hợp với các cấu kiện chống cát chảy được sắp xếp lắp đặt khép kín với bờ.

Cấu kiện sẽ tự sắp xếp, tự ổn định, tự bồi lắng, biến đổi theo dòng chảy tạo ra hệ cân bằng để chống lại dòng xoáy, dòng chảy không ổn định tại các khu vực bị xâm thực mạnh, từ đó có thể gây bồi, tạo bãi theo các hình dạng và kích thước khác nhau. Các cấu kiện chống cát chảy để gây bồi sẽ được cấu tạo liên kết với nhau bằng các mối nối âm dương kết hợp với các thanh cốt phi kim để tạo thành hệ liên kết thống nhất bền vững.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Busadco, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo giới thiệu về kết cầu kiên cố của công trình kè biển

Cùng với công nghệ bê tông cốt phi kim, Busadco đã hoàn thiện hàng chục căn nhà lắp ghép để phục vụ người nghèo và bà con chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu./.

(Còn nữa)

Bích Liên

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 16/06/2022