Xây dựng và duy trì các mô hình bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ,... là những cách phụ nữ huyện Thăng Bình đã và đang thực hiện để bảo vệ môi trường.
Hội LHPN xã Bình Minh với mô hình “thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”. Ảnh: G.B
Tháng 4.2022, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Bình Minh ra mắt mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” với 25 thành viên là các chủ tàu chụp tại thôn Tân An.
Đến nay, mô hình này đã thu hút thêm 5 chủ tàu khác tham gia. Qua 3 lần, Hội LHPN xã Bình Minh triển khai thu gom ngư cụ hư hỏng, rác thải nhựa trên tàu của các thành viên đã thu về số tiền hơn 2 triệu đồng. Từ số tiền trên, Hội LHPN xã trích mua 1 xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng tặng em Trần Công Thịnh (thôn Tân An) có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chị Đặng Thị Mỹ Ly - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh cho hay, mỗi khi vươn khơi xa, hầu hết ngư dân đều chuẩn bị rất nhiều lương thực, thực phẩm, nước uống. Nếu những vỏ lon, bao ny lon hoặc ngư lưới cụ hư hỏng đều vứt xuống biển thì ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Vì lẽ đó, Hội LHPN xã thành lập và duy trì mô hình này. Khi tàu vào bờ, ngư dân chỉ cần gọi điện, hội viên phụ nữ xã sẽ đến thu gom, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, Hội LHPN xã Bình Dương đã thu về 10,3 triệu đồng từ mô hình tại thôn Lạc Câu
Tại xã Bình Dương, từ tháng 5.2021 Hội LHPN xã triển khai mô hình “Thu gom ve chai gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo” tại thôn Lạc Câu và duy trì đến nay. Đây là mô hình có số lượng thành viên tham gia đông nhất với 120 người.
Tham gia mô hình, thay vì vứt chai nhựa, vỏ lon, các thành viên gom lại cho Chi hội Phụ nữ thôn bán mỗi tháng 1 lần tạo quỹ hỗ trợ trường hợp khó khăn. Bà Hồ Thị Mỹ Lệ - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Dương nói, mô hình rất thiết thực, vừa bảo vệ môi trường vừa giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các mô hình thu gom phế liệu, rác thải nhựa, các cấp hội phụ nữ ở Thăng Bình còn xây dựng được 9,1km tuyến đường hoa; trồng 4.530 cây xanh tại 22 tuyến đường do phụ nữ tự quản, trị giá gần 700 triệu đồng, với tinh thần “Mỗi phụ nữ - Một cây xanh”, “Mỗi cơ sở hội - Một công trình xanh”.
Trong những ngày qua, hội LHPN 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; trao 660 giỏ phân loại rác thải, giỏ đi chợ với tổng kinh phí thực hiện 31 triệu đồng.
Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho biết, đến nay toàn huyện có 21 mô hình bảo vệ môi trường, với hơn 1.400 thành viên tham gia.
Giai đoạn 2020 - 2025, Hội LHPN huyện yêu cầu cơ sở hội triển khai nhiệm vụ công tác gắn với thực hiện phần việc bảo vệ môi trường; tiếp tục sáng tạo, nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, như Ngày chủ nhật xanh, biến rác thành tiền, tổ phụ nữ thu gom rác thải... Đồng thời đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Giang Biên