Văn chỉ là loại hình di tích thờ Khổng Tử cùng các học trò, người sáng lập và phát triển Nho giáo. Tại Hà Nội có nhiều di tích thờ Khổng Tử, tiêu biểu nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) có văn chỉ (văn từ) Bát Tràng - nơi thờ Khổng Tử và nhà giáo Chu Văn An. Đây cũng là nơi lưu danh 364 vị đỗ đạt trong các kỳ khoa bảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1507 - 1586) và 8 vị tiến sĩ.
Văn chỉ Bát Tràng nằm sau đình làng, đến nay, dân làng không ai còn nhớ chính xác thời gian xây dựng. Văn chỉ quay mặt theo hướng nam. Từ ngoài đi vào là tam quan có lối kiến trúc phảng phất giống Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, theo kiểu “thượng gia hạ môn”, phía trên đề 3 chữ: “Ngưỡng di cao” mang hàm ý nhắc nhở dân làng phải luôn phấn đấu vươn lên trong học hành. Tiếp nối tam quan là một khoảng sân rộng, bên phải đặt một tấm bia trên lưng rùa. Tấm bia này hoàn toàn trắng trơn, không khắc chữ, mang ý nghĩa nhắc nhở người làng luôn phấn đấu học hành, khi thành công cũng không được tự mãn.
Khu vực chính của văn chỉ có kết cấu theo kiểu chữ “Nhị”, gồm tiền tế và hậu cung. Mỗi tòa được thiết kế theo kiểu 3 gian 2 dĩ, nối liền với sân. Ngoài hệ thống hoành phi, câu đối, vào ngày thường, trong cung chỉ có các bệ thờ với bát hương mà không có long ngai, cỗ kiệu như thường thấy ở đình. Song, vào những ngày tế “đinh” (xưa kia, mỗi tháng được chia thành 3 tuần gồm: Thượng tuần, trung tuần, hạ tuần. Mỗi tuần có 1 ngày “đinh” được gọi là “thượng đinh”, “trung đinh” và “hạ đinh”), trên các bệ thờ sẽ đặt bài vị. Ở vị trí trên cùng là bài vị Khổng Tử, tiếp đến là “tứ phối”, “thập triết”, “thất thập nhị hiền” (các lớp học trò của Khổng Tử). Bên dưới là bài vị Trạng nguyên Giáp Hải và 8 vị tiến sĩ.
Văn chỉ còn là nơi sinh hoạt của hội tư văn. Thành viên của hội phải là người đỗ tú tài trở lên và khao vọng đủ lệ; hoặc phải là con, cháu của một vị tiến sĩ và phải bỏ tiền riêng sửa chữa văn chỉ. Vào ngày “đinh” của tuần đầu trong tháng Hai và tháng Tám, tại văn chỉ, hội tư văn sẽ tổ chức tế lễ cầu mong cho làng có thêm nhiều người đỗ đạt. Đầu thế kỷ XX, văn chỉ là nơi học của trẻ em trong làng.
Năm 2009, văn chỉ Bát Tràng đã được xếp hạng Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố.
Quỳnh Ngọc