Những ngôi nhà chống bão lụt hay những cánh rừng ngập mặn trải dài tại các tỉnh ven biển không chỉ là "phao cứu sinh" bảo vệ con người, bảo vệ môi trường, mà còn giúp hồi sinh những vùng "biển chết" nơi đây.
Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển trải dài theo hướng Bắc-Nam, cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển. Do đó, kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đánh giá được tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển (còn gọi là kinh tế biển xanh).
Để tiến tới kinh tế biển xanh, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao tiềm năng cho các hoạt động kinh tế và xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH).
Với lý do đó, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó phải kể đến mô hình trồng rừng ngập mặn hay sáng kiến về nhà chống bão lụt cho bà con vùng biển…
Rừng ngập mặn - "bức tường xanh" bảo vệ, tạo sinh kế cho người dân vùng biển
"Bức tường xanh" của người dân ven biển
Rừng ngập mặn được coi là “bức tường xanh” có thể bảo vệ con người, tài sản khỏi thiên tai và BĐKH. Tuy nhiên, những năm gần đây BĐKH, triều cường, tình trạng sạt lở cửa sông, bờ biển, chuyển đổi đất rừng ven biển sang xây dựng hạ tầng… đã làm cho rừng ven biển Việt Nam bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng.
“Bức tường xanh” này hiện đang được tái sinh phục vụ và quản lý tại 5 tỉnh ven biển gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau với sự hỗ trợ của dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do Quỹ Khí hậu xanh, Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ.
Người dân vùng biển Nam Định tích cực trồng rừng ngập mặn.
Được triển khai từ năm 2018, tính tới nay đã có 3.500 ha rừng ngập mặn đã được trồng mới, trồng phục hồi và quản lý. Điều quan trọng là ngày càng nhiều người dân đã nhận ra vai trò của rừng ngập mặn để từ đó có ý thức bảo vệ lá chắn xanh này.
Với 72km bờ biển, cùng với hệ sinh thái ngập nước điển hình của vùng ven biển bao gồm các cánh rừng ngập mặn, các lệch phá, cồn cát… Nam Định là một trong những tỉnh mỗi năm hứng chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão. Nhờ được triển khai các chương trình, dự án hữu ích mà nhiều năm qua hàng chục km bờ biển tại tỉnh Nam Định đã được phủ xanh bởi hàng ngàn ha rừng ngập mặn.
Những cánh rừng ngập mặn, các lệch phá, cồn cát… xanh mướt chạy dài tít tắp không chỉ phục hồi môi trường biển, giúp ngăn gió bão, triều cường, chống sạt lở, giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn tạo sinh kế sinh bền vững cho người dân ven biển.
Dưới cái nắng hè tháng 5 gay gắt, những vùng bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định lại có khí hậu khá mát mẻ nhờ khu rừng ngập mặn xanh ngút ngàn. "Lá phổi xanh" chạy dài, không những giúp điều hòa khí hậu mà còn giữ vai trò to lớn trong chắn sóng và bão cho bà con vùng biển nơi đây.
Là người dân sinh sống tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, anh Phạm Ngọc Nhân cho biết: “Rừng ngập mặn là đối tượng chắn sóng rất hiệu quả. Người dân chúng tôi tại các tỉnh ven biển mà không có rừng ngập mặn sẽ gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi bão gió đến, vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, giờ đây có rừng ngập mặn, chúng tôi rất yên tâm vì nó đã làm nhiệm vụ chắn sóng, giảm thiểu thiên tai và rủi ro cho chúng tôi. Dự án trồng rừng được triển khai khiến mọi người nơi đây rất mừng”.
Với 75 năm gắn bó với vùng đất biển nơi đây, ông Đinh Văn Báo chia sẻ: “Đã không biết bao nhiêu lần, chúng tôi phải chứng kiến những cơn bão hoành hành. Cứ mỗi lần bão qua đi, hậu quả để lại rất nặng nề, tuyến đê bị tàn phá, nước biển tràn qua xâm thực khiến đồng ruộng xác xơ. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, rừng ngập mặn đã phủ kín cửa biển, tạo thành một "bức tường xanh" vững chắc. Cũng nhờ có rừng ngập mặn nên quá trình trao đổi, nguồn nước đã được lọc sạch. Bà con chúng tôi nơi đây rất yên tâm”.
Theo ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai tại 5 tỉnh với mục tiêu là trồng phục hồi, trồng bổ sung và một phần trồng mới. Dự án đã hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Nghị định của Chính phủ về quy định quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và một số hướng dẫn về trồng rừng ngập mặn ven biển cũng như tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu về vai trò rừng ngập mặn tại các tỉnh ven biển nhằm ứng phó với BĐKH, tạo sinh kế cho người dân.
“Giờ đây dự án đã có những hỗ trợ sinh kế để góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trực tiếp tham gia trồng rừng bằng việc nhận và bảo vệ rừng. Điều này giúp cho việc trồng mới và tái sinh rừng ngập mặn bền vững hơn”, ông Đinh Văn Đường cho biết.
Có thể thấy, các cánh rừng ngập mặn đang được hồi sinh và màu xanh đang được phủ dần trên bức tường chắn gió, bão tại các tỉnh ven biển. Các mô hình sinh kế bền vững tiếp tục được nhân rộng nơi đây để ngày càng nhiều người dân có thể duy trì nguồn thu nhập của mình và được bảo vệ mỗi khi mùa mưa bão về.
Nhà an toàn chống chịu bão lụt cho người dân ven biển
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022 đã xảy ra 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 144 trận động đất nhẹ, 326 trận mưa đá, dông lốc, sét; 177 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 163 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 21 đợt không lạnh, gió mùa Đông Bắc. Thiên tai đã làm 110 người chết, mất tích, 95 người bị thương; 309 nhà sập đổ hoàn toàn, 9.013 nhà bị hư hỏng, tốc mái... ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, tốc độ lũ lên nhanh, thời gian lũ kéo dài, giao thông chia cắt; lương thực, nhu yếu phẩm khó khăn. Do đó, việc xây dựng nhà an toàn ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai.
Những ngôi nhà chống chịu bão lũ của người dân miền Trung.
Sáng kiến nhà an toàn chống chịu bão lụt được triển khai đã giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là một trong những dự án được khởi xướng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự hợp tác chặt chẽ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Khí hậu Xanh.
Theo số liệu của UNDP, tính đến nay đã có 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo các tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam và Thanh Hóa. Đây là sáng kiến giúp cộng đồng ven biển chống chọi với các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu.
Là một trong những tỉnh thực hiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan của BĐKH tại Việt Nam”, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị nhấn chìm, hàng trăm nghìn người đã phải đi sơ tán đến nơi cao ráo, an toàn cùng với đó là hàng nghìn ngôi nhà và tài sản khác cũng hư hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, hàng nghìn ngôi nhà phòng tránh lụt bão được Chính phủ Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNDP tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo, hộ khó khăn ở những vùng hay có lũ lụt đã phát huy hiệu quả. Đây là một việc làm thiết thực hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng.
Nhìn lại những năm qua, đặc biệt vào tháng 9 - 10/2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hứng chịu liên tiếp hai cơn bão mạnh số 5 và số 9 và trận lũ lụt lịch sử, nước mênh mông khắp nơi. Sau khi cơn bão số 5 ập đến, nước sông Hương đục ngầu do bùn đất từ thượng nguồn đổ về, làm thay đổi hẳn dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế.
Hơn 21.000 căn nhà bị tốc mái, hơn 15.000 cây cối gãy đổ ngổn ngang khắp nơi, những chiếc cột điện bằng bê tông nơi đây tưởng chừng như vững chãi đã không thể chống chịu được trước sức gió giật cấp 1 của bão số 5.
Đối với bà Phan Thị Tư, huyện Phú Vang, bão số 5 đi qua, những thiệt hại đối với gia đình bà sau cơn bão là không đáng kể, tất cả là nhờ có căn nhà chống chịu bão lũ được tặng từ năm 2018.
Còn đối với bà Phan Thị Thúy, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà nhờ có gian nhà kiên cố được hỗ trợ từ năm 2018 đã phát huy hết tác dụng giúp gia đình bà vượt qua mùa mưa bão năm nay. Đó là gian nhà tránh trú trong cơn bão số 5 vừa qua.
Những ngôi nhà chống chịu bão lụt được xây dựng đúng tiêu chuẩn với mái cứng, nền cứng và kết cấu cứng đã không hề bị di chuyển giúp cho các hộ gia đình ven biển cùng gần 600 gia đình khó khăn khác đi qua cơn bão có sức gió giật mạnh nhất đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế trong nhiều năm qua.
Bà Caitalin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.
Bà Caitalin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Trong trận bão số 5 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế và các địa phương khác những ngôi nhà được xây dựng dưới sự hỗ trợ của dự án đã chống chọi với sự nguy hiểm của cơn bão. Điều này cho thấy việc đầu tư xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống chịu bão lũ với chi phí thấp có thể giúp các gia đình tiết kiệm đáng kể chi phí sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa sau bão lũ và các thảm họa thiên nhiên khác.
Theo ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai cho biết, việc xây những ngôi nhà chống bão khiến các gia đình rất phấn khởi. Hiện nay chúng tôi đang đồng loạt triển khai thực hiện, kinh phí cho dự án không phải là lớn nhưng nó mang lại hiệu quả thiết thực.
Tính đến nay, dự án đã xây dựng được hơn 3200 căn nhà chống chịu bão lũ, với hơn 800 căn nhà nữa sẽ được xây dựng vào năm sau. Tuy nhiên, có tới hơn 100.000 hộ dân nghèo bị tổn thương đang rất cần những căn nhà chống chịu bão lũ.
Có thể thấy, mùa mưa bão ở Huế và các tỉnh thành miền Trung mới chỉ bắt đầu, không ai biết trước sự nguy hiểm của các cơn bão sắp tới sẽ có sức tàn phá đến đâu thì một căn nhà chống chịu bão lụt với chi phí thấp được xây dựng xong là người dân có thể có một mái nhà bình yên chống chịu với bão.
Là một tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Ngãi cũng là tỉnh hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai bão, lụt. Đặc biệt, những năm gần đây, tần suất bão, lụt xảy ra rất cực đoan, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, hoa màu. Do tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu càng khó lường, ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng người nghèo, cận nghèo.
Chia sẻ về những khó khăn trong mùa bão, lũ, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong 4 năm qua, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan của BĐKH tại Việt Nam” đã hỗ trợ xây dựng hoàn thiện 683 căn nhà an toàn phòng chống bão, lụt tại 5 huyện ven biển của tỉnh.
“Các căn nhà này đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ sự an toàn cho người dân nghèo qua các cơn bão”, ông Hiền vui mừng chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thoàn, tại thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngôi nhà chống lũ của gia đình được hỗ trợ xây dựng năm 2018 với diện tích 15m2 nhưng rất kiên cố và giúp gia đình vượt qua mùa bão, lũ. Thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực, thực phẩm đến đây nhờ tích trữ hộ.
Việc xây dựng những căn nhà chống lũ đã giúp các hộ nghèo yên tâm sinh sống, sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, chủ động giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu./.
(Còn nữa)
Bích Liên