Ngọc Hồi là một huyện của tỉnh Kon Tum, nằm ở ngã ba Đông Dương - nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Vì thế, nơi đây hội tụ những nền văn hóa khác nhau, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng với những nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc ít người như Xơ Đăng, Brâu, Giẻ Triêng. Tới đây, du khách sẽ được đắm chìm vào các điệu múa, giai điệu cồng chiêng mang âm hưởng phóng khoáng của đại ngàn Tây Nguyên cùng những nụ cười và sự mến khách của người dân bản địa...
Du khách thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng tại nhà rông Đăk Răng.
Đậm đặc không gian văn hóa bản địa
Tại Ngọc Hồi hiện còn rất nhiều thôn, làng vẫn còn giữ được nét nguyên sơ cùng bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của 17 dân tộc anh em, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Brâu sinh sống tại làng Đăk Mế (xã Bờ Y) và Đăk Răng (xã Đăk Dục). Đây cũng là nơi bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Người Brâu là một trong số những dân tộc ít người nhất trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Hiện nay, người Brâu chỉ sinh sống tập trung tại làng Đăk Mế với 173 hộ, 558 nhân khẩu. Đến với làng Đăk Mế, trong không gian nhà sàn đặc trưng, du khách sẽ được nghe các cụ già kể về tục “cà răng căng tai”; được hòa theo những điệu “xoang” (múa) nhịp nhàng của các thiếu nữ trong trang phục váy tấm truyền thống và âm hưởng cồng chiêng rộn ràng.
Cồng chiêng là loại nhạc cụ điển hình của các dân tộc ở Tây Nguyên, nhưng chỉ có người Brâu mới có bộ chiêng tha - loại chiêng độc đáo được đúc bằng một loại hợp kim đặc biệt. Ông A Ốt, 67 tuổi, một người dân làng Đăk Mế cho biết: “Chiêng tha là loại chiêng cổ của người Brâu, có giá trị rất lớn. Một bộ chiêng tha thường gồm 13 chiếc, trong đó quý nhất là chiêng Vợ (Chuar) và chiêng Chồng (Jơ Liêng). Loại chiêng này gắn với nghi lễ thờ cúng các vị thần, chỉ được đánh trong những dịp lễ quan trọng”.
Cách không xa làng Đăk Mế là làng Đăk Răng - nơi sinh sống của 200 hộ với 700 nhân khẩu là người Giẻ Triêng. Làng Đăk Răng nay vẫn bảo tồn được những ngôi nhà sàn dài cùng nhà rông truyền thống với mái lợp tranh có hình dáng như chiếc mai rùa. Tại khu vực trung tâm, nơi có ngôi nhà rông - nơi hội họp của dân làng, du khách được tìm hiểu về nghệ thuật múa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những phong tục tập quán và thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Giẻ Triêng như thịt chuột nướng khô, nhím nấu lồ ô, gà bóp chua, trứng kỳ nhông, bánh lá đót...
Tại làng Đăk Răng, du khách sẽ được gặp gỡ già làng, Nghệ nhân Ưu tú Brôl Vẻ, người năm nay gần 80 tuổi nhưng đã có hơn 60 năm biết chơi và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Gian nhà lá đơn sơ nằm ngay đầu làng giống như một “bảo tàng nhạc cụ” thu nhỏ. Tại đây, du khách sẽ được nghe già làng chơi và kể về quá trình tạo tác các loại nhạc cụ như đàn đinh tút, ting ning, tơ rưng, sáo, ta len, pin pui... Các nhạc cụ này đều được làm từ những nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, nứa, lồ ô. “Bảo tàng nhạc cụ” của già làng hiện trưng bày khoảng 15 loại khác nhau, trong đó có từ 6 - 8 loại do chính già làng chế tác. Đây cũng là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn của du khách khi đến với làng Đăk Răng.
Phát triển du lịch bằng sản phẩm “chủ lực”
Nguồn tài nguyên văn hóa trên chính là những “mỏ vàng” để Ngọc Hồi phát triển du lịch với những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Theo ông Hà Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Ngọc Hồi: Hai làng văn hóa Đăk Mế và Đăk Răng đã được huyện quan tâm đầu tư, định hướng phát triển du lịch từ năm 2010. Tại đây, những nét văn hóa bản địa đặc trưng luôn được người dân gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau, song song với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua các lớp truyền dạy được tổ chức hằng năm.
“Tại hai làng văn hóa này hiện có 3 thế hệ nghệ nhân đang tham gia đắc lực trong việc bảo tồn, gìn giữ các loại hình di sản văn hóa của dân tộc mình. Đây là “chất liệu” để chúng tôi xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng. Trước dịch Covid-19, sản phẩm này cũng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh và phát triển sản phẩm này trong thời gian tới” - ông Khoa chia sẻ.
Hiện nay, Ngọc Hồi đã triển khai Kế hoạch phát triển du lịch huyện Ngọc Hồi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa Đăk Răng và Đăk Mế kết hợp với tham quan di tích văn hóa - lịch sử và các điểm đến khác trên địa bàn huyện như: Cột mốc 3 biên, Quốc môn; Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; đập Đắk H’niêng... sẽ là những sản phẩm “chủ lực” của địa phương.
Song song với đó, huyện cũng hỗ trợ một phần kinh phí và huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng các dãy nhà sàn xung quanh nhà rông Đắk Răng nhằm tạo dựng lại không gian văn hóa làng truyền thống và làm nơi phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ, mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng đón tiếp khách để mang lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân.
Bài và ảnh: Bảo Khánh