Bình Thuận: Cần xây dựng kè bảo vệ bờ biển, cảnh quan tại điểm du lịch

Cập nhật: 21/06/2022
Nhiều năm qua, các địa phương ven biển tỉnh Bình Thuận phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực, thiệt hại tài sản do triều cường, sạt lở bờ biển gây ra.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng mở rộng, đe dọa đến tính mạng, đời sống nhân dân. Đặc biệt, tại thủ đô resort Hàm Tiến - Mũi Né, triều cường còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch, rất cần được xây dựng kè bảo vệ bờ biển, cảnh quan và an toàn cho du khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn khảo sát tại biển Hàm Tiến vào tháng 6/2022.

Trước thực trạng sạt lở bờ biển kéo dài tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, một số khu du lịch tại khu vực này đã chủ động xây dựng kè tạm. Trong đó giai đoạn trước năm 2019 sử dụng kè mái nghiêng cấu kiện bê tông lắp ghép và kè bậc cấp xây đá chẻ. Từ năm 2019 trở đi, bắt đầu sử dụng kè tạm túi cát geotube. Đến nay, tổng cộng có 11 cơ sở du lịch làm kè tạm túi cát. Riêng đoạn bờ bao quanh núi Cố phường Phú Hài, một số khu du lịch đã làm kè mỏ hàn đá đổ để tạo bãi, bao gồm KDL Cát Trắng, KDL Phú Hải, KDL Romana, KDL Vách đá, KDL Nhất Viên...

Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ Quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020 tại Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 8/4/2011 của UBND tỉnh, giải pháp công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch được đề xuất: Đối với đoạn bờ đã có bãi, kè biển dạng tường cừ hoặc kè biển dạng kết hợp tường hắt sóng, đỉnh kè liên kết dầm bê tông cốt thép có bố trí hành lang đỉnh kè, thoát nước và đường giao thông phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, duy tu, bảo dưỡng. Giữa hành lang đỉnh kè và đường giao thông có bố trí dải phân cách bằng hoa viên cây xanh. Đối với đoạn bờ biển chưa có bãi, dùng kè mỏ hàn kết hợp đổ cát tạo bãi nhân tạo. Trên chiều dài 192 km bờ biển toàn tỉnh, cần phải làm kè là 116,89 km, trong đó kè bảo vệ khu du lịch là 31,22 km, kè bảo vệ khu dân cư, khu sản xuất 85,67 km.

Huyện Hàm Thuận Nam, kè KDL Việt Pháp dài 113m, dạng bậc cấp xây đá chẻ (hoàn thành năm 2019). Kè mỏ hàn đá đổ tạo bãi KDL Vạn Trụ dài 137,6m, đã hoàn thành 100m. Tại huyện Hàm Tân, KDL Sinh thái Cát Vân đã xây dựng kè mỏ hàn đá đổ dài 220m (không tính mũi), hoàn thành năm 2018.

Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, do tiết kiệm vốn đầu tư, các kè bê tông và xây đá chẻ của doanh nghiệp thường có mái khá dốc so với kè do nhà nước đầu tư, làm phát sinh sóng phản xạ lớn tạo nhiễu động lớn trước kè. Từ đó, dẫn đến lượng bồi tụ nhỏ hơn lượng xói, lâu ngày dẫn đến mất bãi (quá trình này kéo dài qua nhiều năm), không đáp ứng yêu cầu du lịch. Đối với kè tạm bằng túi cát được xây dựng tự phát, phần lớn không xin phép xây dựng nên không đồng bộ, gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng đến các cơ sở lân cận. Riêng các kè mỏ hàn đá đổ bước đầu đã phát huy hiệu quả tạo bãi và chống biển xâm thực.

Về phương án xây dựng công trình kè tại khu, điểm du lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, giải pháp công trình loại kè bờ trực tiếp bằng mảng mái nghiêng cấu kiện bê tông lắp ghép hoặc xây bậc cấp đá chẻ có nhiều ưu điểm. Đó là bảo vệ bờ chống được biển xâm thực; không gây tác động đến dòng chảy ven bờ làm mất cân bằng bồi xói. Đồng thời, thiết kế, thi công không phức tạp, có giá thành vừa phải. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, loại kè bờ trực tiếp bằng bê tông hoặc đá xây bộc lộ một số hạn chế như mái kè chịu tác động trực tiếp của sóng biển trên diện rộng, chất lượng bê tông hoặc vữa xây thường không lâu dài, chỉ tồn tại khoảng từ 10 - 15 năm. Ngoài ra, tạo nhiễu động lớn trước kè so bãi tự nhiên, lượng bồi tụ giảm, lâu ngày dẫn đến mất bãi, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, không thể trang trí kè tạo mỹ quan dưới tác động mạnh và trực tiếp của sóng biển. Kinh nghiệm cho thấy đá trang trí ốp tường đỉnh kè dễ bị sóng đánh vỡ.

Để khắc phục tình trạng trên, cần phải có các giải pháp công trình kè bờ (chủ yếu tạo cảnh quan) kết hợp công trình giảm sóng giữ bãi nhằm chống xâm thực bờ biển. Đồng thời, khôi phục và giữ được bãi biển phục vụ du lịch, ổn định đường bờ dài hạn, đảm bảo cảnh quan, mỹ quan và hạn chế ảnh hưởng đến khu vực lân cận.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm phòng, chống biển xâm thực ổn định đường bờ, tôn tạo và giữ bãi, cải thiện cảnh quan đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch.

Kè tạm tại một khu du lịch ở Hàm Tiến.

Sở Nông nghiệp và PTNT nêu giải pháp đề xuất là đê giảm sóng cách bờ kết hợp kè bờ tạo cảnh quan. Sử dụng các đoạn đê giảm sóng đặt cách bờ, được bố trí song song với tuyến đường bờ. Đê có mặt cắt hình thang sử dụng vật liệu bê tông hoặc đá tự nhiên (để tăng tuổi thọ công trình). Bên trong làm kè bờ trực tiếp chủ yếu tạo cảnh quan.

Hiện trạng sát lở bờ biển tại khu du lịch ở Hàm Tiến.

Sử dụng hệ thống kè mỏ hàn (chữ I, chữ T…) được bố trí vuông góc với tuyến đường bờ. Mặt cắt ngang mỏ hàn tương tự như đê giảm sóng. Mặt đỉnh kè bố trí đường bê tông tạo cảnh quan và thuận tiện đi lại. Bên trong làm kè bờ trực tiếp chủ yếu tạo cảnh quan. Có thể sử dụng tổ hợp đê giảm sóng và kè mỏ hàn cho 1 công trình.

Tuy nhiên, các giải pháp thiết kế được đề xuất chỉ mang tính chất tham khảo. Việc lựa chọn giải pháp thiết kế với quy mô như thế nào, có đảm bảo an toàn không, xây dựng mô hình diễn biến bồi xói bờ biển… phải được 1 đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thủy lợi, đê kè nghiên cứu, thiết kế và chạy mô hình để kiểm tra. Trước khi đầu tư xây dựng, cần thiết phải có một đề án nghiên cứu chuyên sâu và khoa học nhằm xác định mô hình đầu tư và giải pháp công trình phù hợp và hiệu quả đối với từng cung bờ có các khu, điểm du lịch.

K. Hằng

Nguồn: Báo Bình Thuận - baobinhthuan.com.vn - Đăng ngày 21/06/2022