Lào Cai: Mở rộng sản xuất cây dược liệu gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 21/06/2022
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển cây dược liệu, tỉnh Lào Cai đang từng bước chuyển dịch từ trồng dược liệu sang kinh tế dược liệu. Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch phát triển dược liệu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.

Tại Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên khí hậu, tri thức bản địa và du lịch để gia tăng giá trị thu nhập cho người dân.

Các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao Atiso, trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu,… đang phát triển mạnh mẽ

Vùng trồng cây dược liệu đương quy tại huyện Si Ma Cai

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lào Cai hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô 4.000 ha. Trong đó, phát triển nhóm cây dược liệu trên đất hàng năm 1.500 ha; duy trì diện tích nhóm cây dược liệu lâu năm, cây dược liệu dưới tán rừng 2.500 ha. Xây dựng cơ sở bảo quản và chế biến sâu quy mô công nghiệp tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đảm bảo 100% sản lượng tươi được sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, góp phần nâng cao giá trị của cây dược liệu. Đồng thời hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh Lào Cai xác định rõ những nhiệm vụ cần triển khai:  Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu làm thuốc; phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; thu hút nhà đầu tư chiến lược chế biến sâu; Xây dựng các vùng tham quan, các điểm du lịch gắn với dược liệu đảm bảo các yếu tố, điều kiện đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Phát triển các sản phẩm dược liệu chính gắn với du lịch như: Sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ; duy trì vườn giống gốc cây thuốc tắm tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa). Phát triển sản xuất các loại cây dược liệu có khả năng chế biến thành mỹ phẩm, chất tẩy rửa như cây tía tô, gừng, nghệ… tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, hình thành vùng sản xuất tập trung, cung cấp nguyên liệu, đầu tư chế biến các loại sản phẩm làm đẹp, chất tẩy rửa phục vụ khách du lịch và nhu cầu thị trường.

Tỉnh Lào Cai tiếp tục mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu chế biến thành sản phẩm tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên...

Tiếp tục duy trì diện tích trồng sả lấy tinh dầu tại huyện Bảo Yên, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương… để đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến tinh dầu sả. Mỗi địa phương lựa chọn, xây dựng 01 - 02 mô hình trồng cây dược liệu gắn với các món ăn bản địa độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, các mô hình dược liệu ẩm thực phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn. Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo như nước uống, viên nang, sản phẩm tươi, sấy khô, ngâm rượu, trà túi lọc…

Cùng với đó lựa chọn, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản, nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm OCOP như trà túi lọc, cao đặc, cao khô, cao lỏng, sản phẩm dạng nước, sản phẩm dạng viên,… 

Đẩy mạnh việc xây dựng các vùng tham quan, các điểm du lịch gắn với dược liệu đảm bảo các yếu tố, điều kiện đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Theo đó xây dựng 03 trục chính gồm: Trục phía Tây: Lào Cai - Sa Pa (Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn) - Bát Xát (Pa Cheo, Y Tý, Trịnh Tường) - Lào Cai với các sản phẩm như dược liệu làm thuốc (giảo cổ lam, đẳng sâm, xuyên khung, thất diệp nhất chi mai…), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (actiso, sâm vũ diệp, các loại tinh dầu, ẩm thực người dao đỏ…), mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, chất tẩy rửa sinh học (thuốc tắm người dao, dầu gội tía tô, sữa rửa mặt tía tô…).

Trục phía Đông Bắc: Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương - Lào Cai với các loại sản phẩm dược liệu làm thuốc (xuyên khung, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, vân mộc hương, đẳng sâm,...), ẩm thực, gia vị từ dược liệu (đương quy, hồi…). Trục phía Đông: Bảo Yên - Bắc Hà - Văn Bàn sản xuất cây dược liệu chế biến tinh dầu (quế, sả, tía tô, đại bi…).

Vùng trồng atiso gắn liền với phát triển du lịch tại thành phố Sapa. Ảnh: Quốc Hồng

Đồng thời xây dựng các điểm du lịch sinh thái tại một số địa phương có thế mạnh như: Điểm du lịch xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) xây dựng trung tâm du lịch chăm sóc sức khoẻ gắn với các sản phẩm thảo dược; phát triển các sản phẩm đặc trưng để làm quà cho du khách. Điểm du lịch xã Ngũ Chỉ Sơn, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) xây dựng khu bảo tồn các loài cây dược liệu quý hiếm, phát triển thành các điểm tham quan cho khách du lịch.

Điểm du lịch xã Y Tý, A Lù, Trịnh Tường (huyện Bát Xát) xây dựng Trung tâm Văn hóa Thảo dược Hà Nhì. Điểm du lịch xã Nậm Đét, Bản Liền (huyện Bắc Hà) và điểm du lịch xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) phát triển hình thức tham quan rừng quế, dược liệu và trải nghiệm các hoạt động sản xuất tinh dầu quế...

Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, thuận lợi cho phát triển cây dược liệu. Hiện Lào Cai đang sở hữu khoảng 850 loài cây thuốc, 78 loài có tiềm năng khai thác, 78 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 3.500 ha trồng các loại dược liệu chính, trong đó có 140 ha với 11 loại cây đã được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn GACP-WHO trong sản xuất dược liệu.

Với điều kiện tự nhiên trên, thời gian tới Lào Cai cần rà soát định hướng vùng sản xuất dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai để tạo vùng sản xuất tập trung trên địa bàn đáp ứng được sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP. Vùng sản xuất dược liệu gắn với phát triển các cơ sở sản xuất giống dược liệu, các cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm dược liệu.

Giai đoạn 2022 - 2025, Lào Cai đẩy mạnh tăng cường quảng bá hình ảnh các vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; kết nối tiêu thụ sản phẩm dược liệu làm quà cho du khách tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng khu trung tâm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh quy mô lớn về dược liệu, tổ chức các tour du lịch cho khách trong và ngoài nước được tham quan và trải nghiệm sử dụng các sản phẩm dược liệu đặc trưng của địa phương. Tổ chức các lễ hội về dược liệu quy mô lớn lồng ghép với các dịp lễ hội do địa phương tổ chức, nhằm truyền thông, quảng bá hình ảnh về vùng trồng dược liệu và giới thiệu dược liệu Lào Cai tới du khách.

Truyền thông, quảng bá các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch trên Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn) và Bộ phần mềm ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (app Lao Cai Tourism). Tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm dược liệu phục vụ du lịch thông qua các chuỗi cung ứng bán sỉ, bán lẻ, hệ thống các siêu thị, khu, điểm du lịch.

Bên cạnh đó tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao trong việc chọn tạo, sản xuất các giống dược liệu có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao phục vụ sản xuất. Nghiên cứu tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các cây dược liệu bản địa. Xây dựng hệ thống nhà thu gom, sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm tại các vùng quy hoạch để tạo ra sản phẩm dược liệu có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách.

Thanh Huyền

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 19/06/2022