Từ thực tế xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng ở TP Quy Nhơn và định hướng nhân rộng trong tỉnh cho thấy cần có các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện riêng của địa phương. Ðặc biệt, phải hướng đến phát triển bền vững, tránh cách làm “ăn xổi”.
Thời gian qua, Bãi Xép (khu phố 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thu hút khá đông du khách. Song, trong thời gian dài, đi trên các tuyến đường nhỏ hẹp của làng chài có thể thấy việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường còn hạn chế, gây ấn tượng chưa tốt cho du khách. Vấn đề “nóng” ở Bãi Xép gần đây là nhiều hộ dân mang bàn, ghế lấn chiếm bãi biển để kinh doanh ăn uống, gây cảnh lộn xộn, ồn ào, mất vệ sinh môi trường, mâu thuẫn giữa những người kinh doanh do tranh giành khách…
Du khách và người dân vui chơi, tắm biển ở Bãi Xép sau khi không còn các hàng quán lấn chiếm bãi biển. Ảnh: C.Luận
Sau nhiều ý kiến “cảnh tỉnh”, khu vực bãi biển Bãi Xép đã không còn hàng quán lấn chiếm kinh doanh, du khách thoải mái đến vui chơi, tắm biển. Trên con đường nhỏ hẹp xuống bãi biển, có một số quán bán hải sản nhưng chủ yếu tận dụng nhà ở nhỏ, cũ, chưa có tiền đầu tư xây dựng nên chỉ để được vài bàn. Đây là nguyên nhân chính khiến họ ra lấn chiếm bãi biển để bán hàng. Sau khi bị cấm mấy ngày nay, có hộ dân đã nghỉ hẳn, người về nhà bán cũng chỉ phục vụ được ít khách.
Anh Ngọc Vân (ở TP Quy Nhơn), một người chuyên tổ chức tour khám phá cảnh đẹp, văn hóa truyền thống ở các địa phương trong tỉnh, cho rằng: Việc nghiêm cấm buôn bán ngoài bãi biển là rất cần thiết; song, thành phố nên có định hướng, quy hoạch địa điểm, hình thức hỗ trợ cho các hộ dân ở Bãi Xép, tạo điều kiện cho họ tham gia đóng góp tích cực và hưởng lợi chính đáng từ phát triển du lịch cộng đồng. Chẳng hạn, có thể xem xét hình thức thí điểm như “chợ hải sản” tươi sống, giá cạnh tranh hơn nơi khác ở một khu vực tập trung phù hợp, rồi cho mọi người vào buôn bán, phục vụ du khách sau khi tham quan, tắm biển ở làng chài.
Trong khi đó, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong việc làm kè kết hợp với đường giao thông rộng, đẹp ở khu vực mặt tiền hướng biển đã tạo thêm điều kiện thuận lợi phát triển mạnh du lịch cộng đồng ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Bên cạnh việc quản lý, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường, xã Nhơn Hải đang định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững hơn.
Theo ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, định hướng phát triển du lịch cộng đồng địa phương thời gian tới gắn với chuyển đổi nghề đối với những hộ không còn điều kiện đi đánh bắt, nuôi trồng hải sản; đa dạng các hình thức tạo việc làm cho nhiều người dân. Phát huy vai trò chủ thể và huy động nguồn lực đầu tư từ dân để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, tránh cạnh tranh không lành mạnh.
“Ngoài việc tăng cường phối hợp với các đơn vị tập huấn thêm về du lịch cộng đồng, xã sẽ vận động, bố trí phù hợp số hộ làm dịch vụ nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn du khách các tour khám phá biển, đảo, trải nghiệm lao động của ngư dân… Về lâu dài, xã đề xuất quy hoạch lại bãi biển, với các khu để ngư lưới cụ, khu phục vụ sinh hoạt người dân, khu thí điểm các loại hình phục vụ du khách. Đồng thời, xây dựng tuyến đường ẩm thực trong khu dân cư để phục vụ du khách, nhất là các đặc sản miền biển…”, ông Thắng cho biết.
Trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, khu vực miền núi rất có tiềm năng nếu được khai mở đúng hướng. Những luồng dư luận trái chiều về giá dịch vụ của một farmstay ở thôn 1, xã An Toàn (huyện An Lão) vào đầu tháng 5.2022 đã gây tác động không tốt đến hình ảnh du lịch địa phương trong nỗ lực tạo dựng điểm đến mới. Do đó, cùng với việc định hướng, đầu tư, cần chú trọng đến việc tuyên truyền để người dân vùng cao và cả nhà đầu tư nơi khác đến thực hiện đúng cách phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Chị Phạm Thị Kênh (người Bana, chủ một homestay ở thôn 1, xã An Toàn), chia sẻ: “Du lịch cộng đồng đang đem đến cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập để cải thiện đời sống cho người dân miền núi vốn còn nhiều khó khăn. Đáp lại, trong thời gian qua, người dân trong thôn 1 cùng thống nhất cao việc phục vụ khách nghỉ dưỡng, ăn, uống với giá vừa phải nhất, cùng sự hiếu khách luôn sẵn có. Ngoài tạo cảm giác thân thiện với khách “như ở nhà mình”, chúng tôi còn giới thiệu, hỗ trợ cho khách trải nghiệm sinh hoạt, lao động, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana”.
Mai Thư