Đi giữa những cánh rừng ngập mặn trải dài ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), một bậc cao niên trong vùng cho biết, từ bao đời nay "bức tường xanh" này bảo vệ, che chắn xóm làng vượt qua mỗi mùa mưa bão. Rừng cũng mang lại cho người dân nhiều mô hình sinh kế bền vững.
Hằng năm, nhiều loài chim di cư quý hiếm bay về… Ảnh: VQG Xuân Thủy
"Nói không" với phá rừng nuôi thủy sản công nghiệp
Xã Giao An (huyện Giao Thủy) là vùng quê thuần nông, người dân mưu sinh bằng đánh bắt tôm rảo, tôm sú, cá đối, cá tráp, cá trìa hoa sẵn có trong luồng, lạch, bãi bồi ven biển. Tuy nhiên, nhiều năm trước có không ít người nuôi trồng thủy sản công nghiệp, làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên.
Đau đáu ý tưởng xây dựng ngôi làng sinh thái ven biển nhằm phục hồi những giá trị của tự nhiên, chị Doãn Thị Thoa, một người con làng biển tuy từng rời làng lên Hà Nội lập nghiệp đã khăn gói trở về xây dựng nên Hợp tác xã Khang Tường, tập hợp những thành viên cùng chung đam mê nuôi trồng thủy sản sạch, thuận tự nhiên. Dẫn chúng tôi ra dãy đầm thuộc vùng đệm, chị trải lòng: "Vườn Quốc gia Xuân Thủy là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến hằng năm của các loài chim di cư quý hiếm trong đó có chín loài trong sách đỏ thế giới như cò thìa, rẽ mỏ thìa… Thế nhưng, thật buồn là từng có số ít người con miền biển thuần lương, chất phác vì mưu sinh mà nhiều năm qua không ngần ngại phá hủy rừng trong các đầm nước mặn ở vùng đệm. Nhìn đầm bị phá hết sú vẹt để nuôi thủy sản công nghiệp, tim đau như có ai bóp nghẹt…".
Cùng các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý vườn, chị Thoa và nhiều nông dân tiên phong "nói không" với sản phẩm nuôi công nghiệp, ngăn chặn phá rừng làm đầm. Chị chọn phương thức hợp tác xã chỉ tiêu thụ sản phẩm từ những đầm có rừng sú vẹt rồi làm thương hiệu, chào mời các cửa hàng thực phẩm sạch. Tiếp đó, khi có lợi nhuận từ việc bán hàng online, hợp tác xã của chị bắt đầu nghĩ đến việc phải bù đắp lại cho tự nhiên bằng tặng cây và vận động người khác cùng tặng cây trồng thêm rừng. Nghĩ đến những con đường chang nắng thiếu bóng cây, chị mua tặng xã 400 cây sấu về trồng ven hai bên. Chị cũng là người tiên phong trồng 1.000 cây ở đầm nhà. Khi rặng dừa đã lên xanh, chị lân la ra các đầm bên cạnh vận động vừa trồng cây trên bờ, và cây dưới nước.
Theo mô hình của chị Thoa, nhiều chủ đầm như ông Đinh Văn Mão, hay anh Đỗ Mạnh Trường làm đầm không phá rừng mà trồng thêm cây gây rừng. Ông Đinh Văn Mão, chủ đầm ở xã Giao Thiện, bảo trước đây nuôi tôm, do giữ nước lâu quá khiến rừng ngập mặn trong đầm bị chết hết, nay biết là sai cách nên đã trồng lại hàng trăm gốc dừa, xoài, chay, so đũa với tổng chi phí tới 50 triệu đồng. Đầm của ông còn trồng thêm cây dưới nước dù biết rằng trồng cây nước mặn không hề dễ dàng.
Và những chủ đầm này đang cùng nhau tham gia làm mô hình du lịch sinh thái. Chị Thoa giải thích: "Chúng tôi không muốn chọn những đầm có sẵn rừng sú vẹt làm du lịch sinh thái vì điều đó quá dễ. Chọn đầm bị phá hết cây và nay nỗ lực trồng cây lại là chúng tôi muốn tạo dựng hình ảnh tái sinh những cánh rừng đã chết, và nói không với phá rừng nuôi hải sản công nghiệp. Quá trình trồng cây, tái sinh lại rừng có thể mất 5 năm, hay 10 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa nhưng tôi vẫn quyết tâm cùng với bà con làng mình thực hiện cho bằng được…".
Nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng được phát triển. Ảnh: Khang Tường
Sinh kế nương tựa vào biển, gắn bảo tồn rừng
Tháng 5, đến khu Ramsar Xuân Thủy, đứng trên tầng năm đài quan sát, khu rừng nước ngập mặn dọc theo sông Hóp, sông Vọp, chúng tôi được mục sở thị vẻ đẹp những chùm hoa sú trắng muốt nở rộ, khoác lên thảm xanh của rặng sú một vẻ đẹp tinh khiết.
Đi tàu, nhìn từ biển vào, những rặng sú, vẹt mơn mởn đang vươn mình, chắn từng con sóng. Những cánh rừng ngập mặn đang phục hồi và phát triển đã tạo điều kiện cho một lượng lớn tôm, cua, cá và các loài thủy sản khác từ biển tìm vào cư trú, sinh sôi ngày một nhiều, tạo nên nguồn lợi thủy sản thêm phong phú. Anh Lê Tiến Dũng, cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho biết: Thời gian qua, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và các đàn chim di trú hoang dã, lãnh đạo Vườn đã tiến hành đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển. Hằng năm, Vườn phối hợp với các ban, ngành và cộng đồng dân cư vùng đệm thực hiện các dự án trồng rừng như dự án 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án trồng rừng ngập mặn của Đan Mạch. Vườn cùng các tổ chức CORIN, MCD, WAP triển khai các dự án, giúp người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới, từng bước giảm gánh nặng khai thác nguồn tài nguyên. "Những cánh rừng ngập mặn nơi đây có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng, đồng thời có thể làm giảm nhẹ hoặc tiêu tan các đợt sóng thần cao 15m", anh Dũng dẫn các tài liệu nguyên cứu về Vườn nói.
Chị Doãn Thị Thoa (bên phải) tập hợp những thành viên cùng chung đam mê nuôi trồng thủy sản sạch, thuận tự nhiên. Ảnh: Khang Tường
Và với diện tích sú, vẹt lớn, là hai loại cây đặc biệt có thể sống trong môi trường nửa nước nửa cạn, sở hữu những loại hương hoa đặc biệt nên Xuân Thủy thu hút rất nhiều loại ong tìm về. Phía Vườn cũng đã đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Xuân Thủy, phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong cũng như tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Anh Phạm Văn Chinh, một trong những người làm nghề nuôi ong, lấy mật khai thác mùa hoa sú, vẹt nơi này chia sẻ: Một năm rừng ngập mặn chỉ nở hoa một lần nên hương vị và màu sắc của mật ong ở đây luôn có sự độc đáo, thơm ngon mà hiếm nơi nào có được. Hằng năm, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, khi cây sú, vẹt đồng loạt trổ hoa, những người nuôi ong từ khắp nơi đến Xuân Thủy khai thác mật hoa sú, vẹt.
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy, ngoài khai thác tự nhiên thủy hải sản trong rừng ngập mặn, người dân ổn định cuộc sống còn nhờ vào phát triển nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng ngập mặn khác như: nuôi ngao, tôm, trồng nấm, khai thác rau câu... Cùng với đó, nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng được phát triển. Rừng ngập mặn như máu bởi rừng đang mang lại nguồn sống và sinh kế bền vững cho cho người dân trong vùng, giúp họ dần thay đổi cách nghĩ, và hành động nhằm bảo vệ và giữ gìn "bức tường xanh" trước thiên tai, và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường.
Vĩnh Ðăng