G-8 thông qua Hiến chương đa dạng sinh học

Cập nhật: 27/04/2009
Sau ba ngày nhóm họp tại thành phố Syracuse trên đảo Sicily, Italy, ngày 24/4/2009, các bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và các nền kinh tế mới nổi đã thông qua "Hiến chương Syracuse", xác định các biện pháp cụ thể và nguồn tài chính cho phép bảo vệ sự đa dạng sinh học trên trái đất. Tuy nhiên, các đại biểu đã không đạt được tiến triển nào trong thương lượng về thỏa thuận chung nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, các đại biểu đã không đạt được tiến triển nào trong thương lượng về thỏa thuận chung nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
 Hiến chương Syracuse, gồm 25 điểm, đã nhấn mạnh giá trị kinh tế của đa dạng sinh học, chỉ rõ mối liên hệ giữa bảo vệ đa dạng sinh thái với cuộc chiến chống tình trạng trái đất ấm lên. Hiến chương khẳng định "Bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu toàn cầu".
 
 Theo các đại biểu, vấn đề đa dạng sinh học thời gian qua đã không được quan tâm đúng mức và điều này cần được thay đổi càng sớm càng tốt, vì đa dạng sinh học chính là một lợi thế phát triển kinh tế không thể thiếu đối với mọi quốc gia, giàu cũng như nghèo.
 
 Ông Martin Bursik, Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc, nước hiện là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, nhận định G-8 là diễn đàn tốt nhất để đưa ra thông điệp: vấn đề đa dạng sinh học phải chiếm một vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình thế giới về môi trường.
 
 Theo tính toán của Liên hợp quốc, chính con người là tác nhân làm tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài sinh vật nhanh gấp 1.000 lần so với tốc độ tự nhiên. Ước tính, cứ mỗi giờ có ba loài sinh vật bị biến khỏi Trái Đất.
 
 Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (ký từ năm 1997 và sẽ hết hiệu lực vào 2012).
 
 Thỏa thuận mới này dự kiến sẽ được đưa ra ký tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 15 (COP 15) ở Copenhagen, Đan Mạch cuối năm nay. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn bất đồng lớn về nhiều vấn đề, như hạn ngạch cắt giảm khí thải và nguồn tài chính hỗ trợ cho các nước đang phát triển thay đổi công nghệ sản xuất.
 
 Ngoài vấn đề trên, tại hội nghị lần này, Pháp đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ châu Phi thực hiện phát triển bền vững. Phái đoàn Pháp mong muốn tại hội nghị thế giới về môi trường ở Copenhagen, nhóm G8 sẽ đề nghị các nước phát triển tài trợ 100% cho các dự án năng lượng sạch tại châu Phi với chi phí khoảng 400 tỷ USD trong 20 năm.
Nguồn: TTXVN