(TITC) – Ngày 22/6/2022 tại Hà Nội, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình tập huấn về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cho 150 hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) và các nhà quản trị lữ hành trên địa bàn thủ đô.
Lớp tập huấn về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: WWF-Việt Nam/Hồng Thuý
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được trang bị những kiến thức về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD; thực trạng buôn bán trái phép ĐVHD và dẫn chứng các hành vi buôn bán ĐVHD trái pháp luật qua kênh du lịch. Cảnh báo những rủi ro liên quan đến hành vi giới thiệu, môi giới mua bán các sản phẩm ĐVHD. Đặc biệt lớp tập huấn còn chia sẻ một số mô hình tốt, bài học hay về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD trên thế giới và Việt Nam.
Chương trình tập huấn diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/06/2022. 150 học viên tham gia tập huấn được chia thành 3 lớp, mỗi lớp học trong một ngày tại Hà Nội. Ngày cuối cùng của khóa học (25/06) các học viên sẽ được tham quan, trải nghiệm thực tế tại Khu du lịch Vườn chim Thung Nham, tỉnh Ninh Bình.
Chuyên gia WWF chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy thực hiện du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD cho các học viên. Ảnh WWF-Việt Nam/Hồng Thúy
Sau khi kết thúc khóa học, Ban Tổ chức sẽ thành lập Câu lạc bộ “Nói không với ngà voi và sản phẩm ĐVHD nguy cấp” trên giao diện Zalo. Câu lạc bộ được trực tiếp quản lý bởi những học viên xuất sắc của các lớp tập huấn. Câu lạc bộ còn là nơi để các thành viên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy thực hiện du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD.
Tại lớp tập huấn lần này các học viên được khuyến khích trao đổi, thảo luận nhóm và trình bày các quan điểm cá nhân về những vấn đề liên quan đến du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD. Qua tương tác với các chuyên gia bảo tồn, du lịch trong nước và quốc tế, học viên sẽ trực tiếp tham gia giải quyết các tình huống thực tế và tự rút ra bài học để cùng cam kết bảo tồn ĐVHD.
Chuyên gia chia sẻ một số mô hình tốt, bài học hay về du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD trên thế giới. Ảnh: WWF Việt Nam/Hồng Thúy
Phát biểu tại khóa học, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống Buôn bán Các loài Hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Thông qua khóa tập huấn, chúng tôi mong đợi mỗi học viên đến từ các công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ trở thành một đại sứ thiện chí thúc đẩy và truyền tải thông điệp về du lịch có trách nhiệm đến với du khách, hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ ĐVHD, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống buôn bán trái động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD như ngà voi, sừng tê giác…”.
Theo nghiên cứu của WWF và GlobeScan cho thấy một bộ phận không nhỏ du khách có xu hướng thích mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Đặc biệt, báo cáo cho biết cứ 10 du khách Trung Quốc thì có một người có ý định mua ngà voi khi du lịch tại các nước châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Các học viên được khuyến khích trao đổi, thảo luận nhóm và trình bày các quan điểm cá nhân về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD. Ảnh: WWF-Việt Nam/Hồng Thúy
Vì vậy, theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân chia sẻ: “Chúng tôi lo ngại những cá nhân, tổ chức tham gia đường dây buôn lậu ngà voi và các loài ĐVHD đang chờ cơ hội để tăng cường hoạt động buôn bán trái pháp luật sau khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Trong khi đó, một số hướng dẫn viên du lịch muốn làm hài lòng du khách và lấy lại doanh thu đã mất trong thời gian dịch bệnh, nên muốn giới thiệu cho du khách mua những sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Hành động này vô tình đẩy họ vào hoạt động mua, bán bất hợp pháp ĐVHD. Nhiều du khách cũng không biết các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác bị cấm mua, bán, vận chuyển ở Việt Nam, nên cũng rất dễ gặp các rủi ro về pháp lý. Từ những lý do trên, WWF-Việt Nam mong muốn phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các nhà quản trị lữ hành về những nội dung liên quan”.
Trung tâm Thông tin du lịch