Vượt đèo Violak chênh vênh, qua những bản làng sương giăng, những cung đèo mây phủ, chúng tôi tìm đến thị trấn Măng Đen yên bình của huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), vốn được mệnh danh là nàng thơ của đại ngàn. Trên cao nguyên Măng Đen, thị trấn cùng tên đẹp huyền ảo, nằm ở sườn đông bắc chỉ cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 50km, đang là điểm đến hấp dẫn trên cung đường xanh Tây Nguyên.
Hồ Đăk Ke (Măng Đen) là điểm đến thu hút du khách tham quan.
“Anh ở lại Măng Đen, anh chẳng về đâu, anh ở lại cùng em” lời bài hát của nhạc sĩ Ngọc Tường được bác Nguyễn Tiến Hải, một người ở xứ lạ nhưng gắn bó với Măng Đen gần 40 năm qua, đọc để giới thiệu cho chúng tôi về một tình cảm đặc biệt mà người phương xa dành cho mảnh đất “ba thác, bảy hồ” này.
Người lạ rồi quen
Đặt chân đến thị trấn Măng Đen trong một trưa nắng, trời xanh trong mà vẫn thấy hơi lạnh phảng phất, chúng tôi dừng lại ở trung tâm chợ Kon Plông nhộn nhịp người qua lại. Chỉ vài phút sau, những đám mây đen đột ngột kéo tới, mang theo một cơn mưa rào bất chợt, lạ với người mới đến nhưng quá quen với cư dân mảnh đất cao nguyên này. Tại một quán bánh mì bên đường, vợ chồng chủ quán mời chúng tôi bữa bánh mì trứng ốp-la “thịnh soạn” chỉ hết... 36 nghìn đồng. Với giọng nói nặng nắng rát miền trung, hỏi ra mới biết, chị Anh và chồng-anh Tâm là người gốc Quảng Ngãi, lên đây đã hơn 20 năm sau hành trình dài tìm chốn mưu sinh.
Chị chia sẻ: “Giờ anh chị đã ổn định cuộc sống ở đây, sống tốt và dễ kiếm ăn. Vợ chồng đã có mảnh đất dựng nhà, đủ tiền để đi đi về về suốt thăm quê vì đường sá rất thuận tiện”. Nhờ chiếc xe bánh mì kèm theo nhiều món điểm tâm sáng khác ở Măng Đen, vợ chồng chị Anh đã nuôi hai con khôn lớn, làm việc ổn định ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Dưới cơn mưa tầm tã, đoàn công tác của huyện đến đón chúng tôi cùng người lái xe mái tóc đã ngả bạc-bác Nguyễn Tiến Hải năm nay 61 tuổi, người gốc Hà Tĩnh. Năm 1986, bác là một trong gần 100 công nhân lâm trường trồng và khai thác thông từ Nghệ An, Hà Tĩnh lặn lội đến Măng Đen lập nghiệp.
Chính họ đã tạo ra bức tường thông che chắn quanh mảnh đất ở độ cao 1.200m so với mực nước biển suốt hàng chục năm qua, góp phần bảo vệ khí hậu mát mẻ lạ lẫm giữa đại ngàn Tây Nguyên. “25 tuổi vì khó khăn, tôi lên đến mảnh đất này để làm việc và hy vọng thay đổi cuộc đời. Nhưng công việc vất vả, tôi xin nghỉ chế độ và nhận được khoảng 30 triệu đồng. Hai vợ chồng là đồng nghiệp, cùng nghỉ, chỉ đủ tiền xây một căn nhà sống đến giờ”, bác Hải chia sẻ.
Dành trọn tuổi trẻ để cống hiến cho Măng Đen xưa đầy vất vả, khó khăn, còn Măng Đen nay tặng lại bác một gia đình viên mãn, con cái trưởng thành. Nhiều năm trước, bác có điều kiện mua xe riêng để phục vụ nhu cầu cá nhân, khi cần lại hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện đưa đón khách công tác. Ngoài căn nhà để sống, giờ vợ chồng bác cũng có thêm một mảnh đất phòng thân, đời sống không còn vất vả.
Măng Đen vốn là tên gọi xuất phát từ tiếng của người Xê-Đăng: “T’măng Deeng”, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn, nhưng lại nằm giữa cao nguyên. Có lẽ vì thế mà không ít người phương xa chọn ở lại Măng Đen vì nơi đây thật sự dễ sống, dễ làm ăn. Cũng có những người chọn ở lại Măng Đen để vui thú tuổi già tại mảnh đất “chín tháng mưa, ba tháng nắng”, sương mù giăng lối.
Vượt qua những cung đường quanh co, hai bên là hàng thông xanh rì rào, phảng phất mùi cao nguyên trong gió, chúng tôi đến với Thiện Mỹ farm, một trang trại hoa, dâu tây nằm yên bình trên sườn đồi thôn Tu Rằng. Chủ nhà là cặp vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, người thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, cô Nguyễn Thị Thiện Mỹ bất ngờ bén duyên với Măng Đen để rồi quyết định sinh sống, định cư ở đây khi về hưu.
Thế nhưng, người chồng là chú Võ Quang Lương thì phải đến năm 2018 mới quyết định dứt khỏi cuộc sống xô bồ ở thành phố để lên với vợ ở Thiện Mỹ farm và trở thành nông dân thực thụ. “Một mình vợ tôi lên khai phá, trồng dâu tây và hoa ở Măng Đen gần chục năm qua. Mới đầu tôi cũng khó hiểu và cho rằng chỉ là lựa chọn riêng của bà ấy. Nhưng sau đi lại riết, tôi thấy nơi đây rất phù hợp với người cao tuổi nên chúng tôi đoàn tụ”, chú Lương kể lại.
Cô Mỹ là một cán bộ nhà nước, chú Lương thì làm về ngành cơ khí. Cả hai tự học, tự làm nông, trồng dâu, trồng hoa, bón đất, tạo vườn ở mảnh đất Măng Đen. Nhiều năm, với rất nhiều công sức, họ đã dựng nên một không gian đầy sắc mầu với mầu xanh mát của chanh dây, cải bắp, củ cải...; ngút ngàn hoa vàng, xanh, tím, đỏ của lay ơn, cúc họa mi, thạch thảo, mimoza... Tất cả đều được trồng và chăm sóc bằng công nghệ cao.
Vậy đó, những người lạ rồi thành quen đang khiến Măng Đen trở nên khác biệt hơn trước rất nhiều. Họ đem văn hóa, tư duy, cách sống khác đến với bản làng Kon Plông. Còn những người gốc Măng Đen thì đang cố gắng từng ngày học hỏi, tiếp thu cái mới nhằm giữ màu sống của bản làng mà vẫn hòa nhập với xu thế phát triển chung.
Lễ hội đường phố đón Tết Nguyên đán hằng năm tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Giữ màu sống của bản làng
Măng Đen giờ là mảnh đất du lịch mới nổi của Tây Nguyên. Sự hoang sơ và đời sống bản làng nơi đây là một lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch. Năm 2018, làng Kon Pring vốn là nơi sinh sống của đồng bào Xê-Đăng, được lựa chọn để thành lập làng du lịch điểm của Măng Đen. Ngôi làng yên bình dưới những dãy thông vút cao trong gió còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng như nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng; các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre và ẩm thực dân gian.
Chị Y Lim, phụ trách quản lý làng du lịch Kon Pring tiếp đón chúng tôi trong căn nhà sàn do Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ xây dựng để làm du lịch cộng đồng. “Trước đây, dân làng Kon Pring đội nắng mưa để canh tác rẫy, cả năm cũng chỉ mới kiếm được 50 triệu đồng. Nhưng khi bắt đầu làm du lịch, chúng tôi có thể kiếm được 10-15 triệu đồng/tháng...”, chị Y Lim chia sẻ.
Chị Y Lim là người đi đầu trong làng làm du lịch cộng đồng. Sau khi được huyện hỗ trợ dựng nhà sàn đón khách, chị mạnh dạn vay 16 triệu đồng sắm sửa mùng mền, đệm ngủ và làm nội thất. “Sau ba tháng đi vào hoạt động, tôi trả hết nợ. Dần dần tích góp được khoảng hơn 360 triệu đồng, tôi quyết định dồn hết để xây thêm khu nhà sàn bên cạnh với ba phòng ngủ đầy đủ tiện nghi”, chị kể. Điều đáng nói là chị luôn chia sẻ công việc với bà con trong làng, những người thường sang giúp chị làm cơm, tiếp khách... để giúp họ có thêm thu nhập.
Chị Lệ, cán bộ Phòng Văn hóa, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông chia sẻ: “Điểm hấp dẫn ở Kon Pring không chỉ là nét văn hóa, bản sắc đồng bào được giữ gìn mà còn là cách sống, sự đoàn kết của cộng đồng thôn bản, giữa những người hàng xóm, láng giềng với nhau”.
Sống cách đó không xa, Đinh Thị Diên năm nay 25 tuổi, là người Mơ Nâm, học làm du lịch ở chỗ Y Lim. “Cái khó của làng Kon Pring hiện nay là vấn đề con người. Người dân vẫn chưa quen với việc giao tiếp trong làm du lịch vì còn rụt rè quá. Bây giờ tôi phải tìm cách để tìm ra những người trẻ của bản làng đủ khả năng, trau dồi họ để sau này mình già, đủ sức thay thế giúp cộng đồng làm du lịch. Diên là một trong số ít này”, Y Lim chia sẻ.
Đinh Thị Diên đang là nhân tố chính được đào tạo tại Y Lim Homestay khi vừa biết cách giao lưu và biểu diễn nhạc cụ, âm nhạc dân tộc; vừa biết cách triển khai mô hình du lịch cộng đồng bền vững. “Ban đầu khá thành công vì chúng tôi chưa bị cạnh tranh, nhưng nay đã khác, trong làng có thêm nhiều cơ sở lưu trú mới. Vì thế, nếu muốn níu chân khách trở lại, chỉ còn cách là giữ bằng được bản sắc Kon Pring, do chính người Kon Pring làm và giới thiệu”, chị Y Lim nhấn mạnh.
Anh ĐRon (40 tuổi) vốn là một thợ làm nỏ săn có tiếng trong vùng. Nhưng giờ đây, từ cách nghĩ và cách làm của những người bản địa như Y Lim, anh được hướng dẫn chuyển đổi nghề, trở thành người làm sản phẩm nỏ săn lưu niệm rất được du khách ưa chuộng. Hằng ngày, anh ĐRon làm nỏ lưu niệm cỡ nhỏ, mỗi tháng cho thu nhập từ 5 triệu đến 6 triệu đồng.
Trong khi đó, chị Y Lim ngoài làm chủ homestay còn là một trong 30 nghệ nhân ưu tú của Kon Tum về nghệ thuật truyền thống múa xoang và đánh cồng chiêng, thường xuyên mở lớp dạy cho trẻ em trong làng gìn giữ nét đẹp người Mơ Nâm. Chị còn bỏ tiền túi ra để duy trì và mở rộng đội biểu diễn cồng chiêng Kon Pring. Còn Đinh Thị Diên thì ngoài giới thiệu trực tiếp còn lập tài khoản mạng xã hội quảng bá giúp du khách phương xa biết và đến với quê hương mình.
Vậy đấy, những người bản địa đang ngày càng phát huy những giá trị, bản sắc dân tộc sẵn có, tiếp thu cách làm mới để bước đầu chuyên nghiệp hóa ngành du lịch còn rất mới mẻ giữa bản làng gian khó.
Rời Măng Đen, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, quả thật đúng với những câu chuyện của vùng đất cao nguyên này. Đất lạ đã đưa người lạ thành quen, để rồi người mới người cũ cùng chung tay xây dựng quê hương chung, giữa cao nguyên gió ngàn trên cung đường xanh của Tây Nguyên hùng vĩ.
Bài, ảnh: Chương Dũng và Phúc Thắng