Sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Đà Bắc đang phục hồi tích cực. Những tiềm năng về cảnh quan sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Dao, Tày được phát huy. Các điểm đến có nhiều cố gắng trong cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại du lịch cộng đồng Đà Bắc trekking khám phá thiên nhiên hoang sơ ở xóm Sưng, xã Cao Sơn.
Đang trong thời gian hè nên có khá nhiều đoàn khách thông qua kết nối với các công ty lữ hành và tìm kiếm thông tin trên mạng đến với điểm DLCĐ xóm Ké, xã Hiền Lương. Đây cũng là thời điểm hoạt động du lịch của xóm nhộn nhịp trở lại như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Chị Phương Loan, du khách Hà Nội chia sẻ: Bản du lịch cộng đồng xóm Ké thật tươi đẹp, phong cảnh sông núi hữu tình. Tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi lần đầu tiên ngủ nhà sàn của người Mường, đồ ăn ở đây tuy dân dã nhưng được chế biến ngon, vừa miệng. Tôi và bạn bè đã có một ngày tự do khám phá vùng hồ, thư thái ngắm cảnh trời mây, sảng khoái khi tham gia hoạt động chèo thuyền kayak trên sông Đà.
Những ngày này, hoạt động du lịch ở điểm DLCĐ Đá Bia, xã Tiền Phong không chỉ nhộn nhịp dịp cuối tuần mà vào ngày thường cũng có đông khách từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam đến thăm quan, trải nghiệm. Chị Bùi Ngọc Nhềm, hộ kinh doanh dịch vụ homestay cho biết: Hiện, đa phần du khách đến đây là khách nội địa ưa thích khám phá thiên nhiên, văn hóa, con người. Vì đang mùa hè nên có nhiều đoàn khách là thầy cô và học sinh các trường đại học, cao đẳng, THPT tỉnh ngoài. Các đoàn khách không chỉ thăm quan, tìm hiểu mà còn có nhiều hoạt động chia sẻ với địa phương, tổ chức các chương trình team building bổ ích. Trong những ngày đón khách, các hộ làm homestay đã phối hợp tốt trong việc bố trí nơi ăn, chốn nghỉ, các dịch vụ cung cấp... đảm bảo đáp ứng đầy đủ, mang đến cho du khách sự thoải mái, hài lòng.
Từ đầu tháng 5 đến nay, các điểm DLCĐ của huyện bắt đầu đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại. Với du khách nước ngoài, xóm Sưng, xã Cao Sơn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình khám phá. Theo thống kê vào năm 2018, 2019, 70% khách du lịch về xóm đến từ nước Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ai Len. Đồng bào dân tộc Dao nơi đây cũng đang phát huy lợi thế thiên nhiên hoang sơ, văn hóa bản địa đặc sắc để phát triển DLCĐ, mở thêm các homestay phục vụ lưu trú. Ngoài khai thác những giá trị được thiên nhiên ban tặng như cảnh sắc núi Biều, đồi chè Shan tuyết cổ thụ, hang Sưng, xóm còn xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách như thu hái, sao chè Shan tuyết, workshop hướng dẫn quy trình nhuộm chàm, in sáp ong trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền, làm thịt chua, nấu rượu hoẵng, dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc... Một trong những nét mới kể từ đầu năm, xóm đã có sóng điện thoại, mạng wifi giúp du khách thuận tiện hơn trong kết nối thông tin liên lạc, CNTT.
Theo bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP du lịch cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT), lựa chọn hướng phát triển xanh, bền vững, DLCĐ Đà Bắc đã sớm thích nghi để phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Hiện có 4 xóm với 13 hộ homestay, thu hút 180 thành viên của 142 hộ tham gia vào các tổ, nhóm cung cấp dịch vụ DLCĐ, như tổ hướng dẫn du khách thăm quan, đội văn nghệ, tổ thổ cẩm, tổ chăn nuôi... Dự án AOP cũng sát cánh cùng hộ dân và cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, như lùi lại thời hạn trả nợ cho thành viên các nhóm kinh doanh và sinh kế, điều chỉnh cách thức tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp trang thiết bị phòng bệnh... Với cộng đồng, Đà Bắc CBT không chỉ là đối tác mà còn có vai trò giám sát chất lượng dịch vụ, đại diện trong việc ký kết với các công ty lữ hành. Hiện nay, công ty ký kết hợp tác với một số công ty du lịch như Intrepid Việt Nam, EXO Travel, Learning Project... và các doanh nghiệp xã hội khác, giúp gia tăng đáng kể nguồn khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến với DLCĐ huyện Đà Bắc. Các hộ làm DLCĐ tại địa phương yên tâm, tự tin vào đường hướng phục hồi, phát triển thông qua các chiến dịch quảng bá, truyền thông, đa dạng hóa khách hàng tiềm năng.
Bùi Minh