Di sản Vịnh Hạ Long đã và đang được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá về sức tải trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải du lịch khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững”, do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì thực hiện. Vậy dưới góc độ của ngành du lịch thì điều này có ý nghĩa như thế nào?
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, phân tích: Một điểm đến để phát triển du lịch bền vững thì người ta phải tính đến khả năng chứa được bao nhiêu khách, hay nói cách khác là công suất của nó. Vậy thì bây giờ sức tải của Vịnh Hạ Long cũng đến một mức độ nào đó có độ dừng.
Việc đánh giá sức tải này để đảm bảo bảo vệ được môi trường, cảnh quan của di sản cho phát triển bền vững. Thứ hai nữa là từ đó đưa ra được cơ chế, chính sách phục vụ điều hành của Ban Quản lý Vịnh, của tàu du lịch và các hoạt động dịch vụ khác liên quan tới di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Từ việc tính toán khoa học, một cách chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, chúng ta có thể xây dựng cơ chế phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long.
Cách làm này trên thế giới thực tế người ta đã làm hết rồi, vậy nên chúng ta cũng phải làm để tính đến việc bảo đảm tính khoa học của nó cũng như sự phát triển du lịch bền vững của Vịnh Hạ Long.
Ảnh: Du khách tham quan hang Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long.
- Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Với chủ trương phát triển du lịch hiện nay thì ngành du lịch có giải pháp gì để giải quyết tốt mâu thuẫn trong bài toán bảo tồn và phát triển di sản khi làm du lịch trên Vịnh Hạ Long, thưa ông?
+ Câu hỏi này rất thú vị, ngành du lịch thì bao giờ cũng muốn phát triển trên nền tảng của các di sản, trong khi đó ngành văn hoá lại luôn muốn bảo đảm được tính nguyên trạng của di sản. Ở đây, chúng ta muốn nói là sức sống của ngành du lịch phải dựa trên nền tảng của di sản đó, chúng ta phải phát triển dựa trên bảo tồn, làm tốt công tác bảo tồn thì chúng ta mới có thể phát huy, khai thác các tài nguyên du lịch của di sản đó. Cho nên, việc phối kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản là cách làm bài bản, căn cơ và đòi hỏi phải định lượng được các tiêu chí, tiêu chuẩn đặt ra.
Chúng ta cũng không vì mong muốn phát triển quá mà phát triển nóng, làm ảnh hưởng tới môi trường, sức tải và tài nguyên du lịch ở đó. Vậy nên, ngành du lịch rất quan tâm để phát triển với các chỉ số kinh tế tăng lên nhưng cũng phải tính toán ở mức nào đó làm sao để chúng ta hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, khai thác.
Ảnh: Dịch vụ bay thuỷ phi cơ ngắm cảnh Vịnh Hạ Long
- Các chuyên gia cũng nói nhiều tới những mặt trái từ phát triển du lịch Vịnh Hạ Long. Vậy theo ông thì tới đây sẽ phải làm thế nào để phát triển hài hoà, đảm bảo mục tiêu bền vững như ông vừa nói?
+ Trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải du lịch khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững”, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo. Qua đó, chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia quốc tế và trong nước. Chúng tôi phải nói rằng các ý kiến rất đúng, sâu sắc, khoa học, dựa trên nền tảng phát triển bền vững.
Các ý kiến này sẽ được chúng tôi phối hợp với Ban Quản lý Vịnh nghiên cứu để trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là xây dựng lộ trình khai thác làm sao bảo đảm theo đúng khuyến nghị của chuyên gia rất tâm huyết với sự phát triển của du lịch Vịnh Hạ Long.
Có thể nói, họ là người đi trước chúng ta, họ có kiến thức, hiểu biết hơn, cho nên là chúng ta cầu thị, lắng nghe. Trên cơ sở ý kiến họ tham vấn, chúng tôi sẽ có tham mưu cho tỉnh để làm sao khai thác, phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long đạt được chuẩn mực của du lịch bền vững, đạt được tính toán về sức tải của di sản một cách hợp lý, khoa học và căn cơ.
Du khách tắm biển tại bãi tắm Soi Sim trên Vịnh Hạ Long.
- Các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày một nhiều hơn, nhu cầu của du khách cũng như các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch cũng ngày càng tăng lên, có mong muốn mở rộng hơn trong khai thác đối với di sản này. Vậy theo ông có nên có hạn chế hay một chế tài nào để cân đối giữa bảo tồn và khai thác không?
+ Qua đánh giá chung ấy thì sản phẩm du lịch của Quảng Ninh cũng như trên Vịnh Hạ Long vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng được mong mỏi của du khách. Ví dụ như hiện nay, du khách đến với Vịnh Hạ Long chủ yếu là tham quan cảnh quan, tham quan hang động thôi. Du lịch tắm biển trên vịnh, du lịch thể thao mạo hiểm ít hoặc chưa được phát huy, sản phẩm du lịch văn hoá cộng đồng chưa được khơi dậy…
Vậy nên, chúng ta có thể nói rằng dư địa cho việc phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long là còn và cần phải mở ra. Tuy nhiên mở thế nào thì chúng ta phải tính toán, dựa trên các khuyến nghị của chuyên gia và dựa trên sức tải của Vịnh Hạ Long, dựa trên quy hoạch phát triển của du lịch Quảng Ninh.
- Ông có thể nói rõ hơn về các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long, như ông nói thì giống như chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa?
+ Chúng ta nói sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long đơn điệu ở chỗ là khách du lịch chỉ lên thuyền, ngồi thuyền ngắm cảnh, sau đó thăm hang động rồi quay trở về, đó là cái thiếu. Chúng ta muốn làm những sản phẩm làm sao đó để hấp dẫn du khách trong hành trình chuyến đi và hấp dẫn họ đến với Vịnh Hạ Long nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta không làm tốt điều đó thì du khách không quay trở lại lần thứ hai, cho nên cái thiếu ở đây là thiếu các sản phẩm trải nghiệm, thiếu các sản phẩm du lịch văn hoá, giải trí trên vịnh và thiếu các sản phẩm du lịch thể thao như bơi lội, leo núi…
Dịch vụ tàu nhà hàng đưa du khách tham quan, ngắm Vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long về đêm là sản phẩm du lịch mới hút khách.
Chúng ta cũng thiếu những sản phẩm trải nghiệm Vịnh Hạ Long dưới nhiều góc nhìn khác nhau, chúng ta mới nhìn Vịnh Hạ Long dưới một mặt phẳng là đi bằng tàu, có ngắm vịnh từ trên cao bằng trực thăng, thuỷ phi cơ nhưng vẫn chưa được khai thác có hiệu quả cao nhất, hay là dịch vụ lặn biển là chúng ta vẫn chưa có…
- Chúng ta đã nhìn thấy những cái thiếu, cái yếu và cái cần có của Vịnh Hạ Long như thế, vậy thì ở góc độ quản lý nhà nước, ngành du lịch sẽ phối hợp như thế nào với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch để sớm hiện thực hoá được những ý tưởng, sản phẩm đó, để tăng sức hấp dẫn cho Vịnh Hạ Long?
+ Để sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long đạt được như kỳ vọng, ở đây cần có sự phối hợp của các sở, ngành, trong đó có sự phối hợp của ngành du lịch và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Thứ hai là sự quan tâm của các cấp chính quyền trong đầu tư, trong định hướng và trong vấn đề lập quy hoạch. Và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chủ lực như là Sun Group, Vingroup, BIM, Tuần Châu… Các doanh nghiệp vào cuộc thì các sản phẩm du lịch sẽ khắc phục được những cái thiếu, hạn chế, tồn tại hiện nay, bởi vì các doanh nghiệp này có nền tảng về nguồn lực tài chính, có đội ngũ chuyên gia tốt…
Thường thì sản phẩm du lịch là do doanh nghiệp làm ra, Nhà nước chỉ đưa ra định hướng. Vậy nên, trong thời gian tới, tôi nghĩ giữa Sở Du lịch và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chắc chắn sẽ có những sự gắn kết hơn, cùng nhau bàn bạc, trao đổi, cùng đưa ra những tham mưu cho các cấp chính quyền để xây dựng sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long tốt hơn bây giờ.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)