Sinh viên tham gia hành trình Ecoboat: vớt rác trên vịnh Hạ Long

Cập nhật: 27/04/2009
Đúng Ngày trái đất 22/4, nhóm 26 sinh viên của 8 trường ĐH, THPT rời Hà Nội tới Hạ Long (Quảng Ninh) nhặt rác, tham dự hành trình "Ecoboat" (con thuyền sinh thái). Người tổ chức chuyến đi - ThS Đào Thu Huệ, giảng viên tiếng Trung của ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội - bày tỏ khát vọng được chung tay với di sản thiên nhiên độc đáo của Việt Nam và không giấu tham vọng lớn hơn là thay đổi nhận thức, hành vi của giới trẻ về vệ sinh môi trường.

Hành trình sinh thái

26 sinh viên, học sinh tới từ trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường, ĐH: Ngoại ngữ, Thuỷ lợi, Luật, Giao thông Vận tải, Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Công nghiệp đúng 9 giờ ngày 22/4, đã có mặt ở Hạ Long.

Ecoboat là tên viết tắt của 2 từ tiếng Anh: Ecology nghĩa là sinh thái và boat nghĩa là thuyền. Đây là chương trình giáo dục, bảo tồn môi trường biển Hạ Long và đảo Cát Bà do BQL vịnh Hạ Long phối hợp Tổ chức Bảo tồn động - thực vật hoang dã quốc tế FFI tổ chức từ năm 2006.

Chương trình gồm các lớp học với các chuyên đề, như tìm hiểu cuộc sống các ngư dân trong vịnh; giá trị địa chất, địa mạo; các giá trị lịch sử văn hoá hay các nguy cơ đe doạ Hạ Long - di sản thiên nhiên 2 lần được UNESCO công nhận. Tới nay đã có 117 lớp học được tổ chức, với tổng số học viên tham gia khoảng 3.500 người.
 
Cùng với việc tham dự các bài giảng, trò chơi, các học viên sẽ tham gia nhặt rác, làm sạch Hạ Long. Lênh đênh trên những chiếc thuyền, chiếc mủng, họ đã thực hiện vớt rác nổi trôi trên biển, gom rác sinh hoạt của các ngư dân làng chài Cửa Vạn...

Hoàng Diệu Linh tới từ lớp Chất lượng cao, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội. Chân ướt chân ráo vào học năm thứ nhất, Linh đã chung tay vào nhiều hoạt động về môi trường như Ngày hội Mottainai, Chương trình VSATTP do TT Vì sự phát triển đô thị tiến hành và hiện tham gia Dự án RAECP.

Linh hồ hởi cho biết: "Đây là một chuyến đi ý nghĩa nhất với em. Bởi nó cho em biết các mối đe dọa thực sự xâm hại vịnh Hạ Long, biết được tuổi thọ các loại rác trong môi trường nước biển... Các môn học ở nhà trường có dịp được kiểm chứng. Song điều ý nghĩa hơn cả, là hành động của mình sẽ giúp Hạ Long sạch hơn, đẹp hơn, xứng đáng trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới trong cuộc bầu chọn đang diễn ra".

Với Đỗ Thuý An - SV năm thứ hai ĐH Ngoại ngữ - thì hành trình Ecoboat là chuyến đi tình nguyện đầu tiên của cô cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. "Hành động nhặt rác của em trong chuyến đi này thật nhỏ, nhưng nó chất chứa bên trong ước mơ lớn. Một thông điệp từ hành động muốn được gửi đi tới các du khách là hãy gìn giữ môi trường, hãy chỉ để lại dấu chân và mang về những bức ảnh để ngàn đời sau vẫn có một Hạ Long sạch, Hạ Long xanh đầy quyến rũ".

Với An, chuyến đi lần này còn là hành động chung tay vì quê hương, bởi An sinh ra tại Quảng Ninh. Cô cũng cho biết, tất cả các hoạt động tuyên truyền và bầu chọn cho vịnh Hạ Long, cô đều hứng khởi tham gia.
 

Thay đổi hành vi giới trẻ

Sau chuyến đi, ThS Đào Thu Huệ tâm sự với chúng tôi: "Thường thì các chuyến đi được tổ chức vào dịp cuối tuần, nhưng lần này lại là giữa tuần. Thứ nhất, vì đó chính là Ngày trái đất - ngày mà mỗi chúng ta nên có một hành động thiết thực bảo vệ sự sống hành tinh. Thứ hai, 30/4 - 1/5 tới là ngày mở cửa biển, lượng du khách tới đây sẽ rất đông. Hành động nhặt rác của chúng tôi sẽ thu hút sự chú ý của mọi người và hy vọng khi họ đã biết được hành động của chúng tôi thì họ sẽ có ý thức giữ gìn cảnh quan hơn".

Ý tưởng thực hiện những chuyến nhặt rác tại các điểm du lịch được hình thành từ nhiều lần đi thực tế, rút kinh nghiệm của cô Huệ. Lần đầu tiên là vào năm 2004, khi đó đang học tập tại Bắc Kinh, cô cùng với một nhóm học viên tới một khu du lịch sinh thái cách đó 250 cây số. Khu rừng sinh thái này rất đẹp, tuy nhiên, vẫn có của rác do du khách vứt lại.

Một khu rừng nguyên sinh mà có rác thì thật tiếc và thật nguy hiểm, bởi nó có thể gây hại tới môi trường xung quanh. Nghĩ thế và nhóm của cô không ai bảo ai, tự động nhặt rác ra khỏi khu rừng. Thêm nhiều chuyến đi như thế, dần dà, một suy nghĩ hình thành trong đầu họ, là "nếu giới trẻ biết kết hợp những chuyến dã ngoại với hoạt động không xả rác ra môi trường, hoặc hơn nữa là dọn rác xung quanh thì quá tốt".

Năm 2005, ThS Huệ tốt nghiệp về nước. Sau những giờ lên lớp, cô thường tổ chức các chuyến đi ngoại khoá cho SV của mình, kể cả các học viên nước ngoài, nhưng không đơn giản chỉ là những chuyến ngoại khoá.

"Thật khó khi thay vì một chuyến đi chơi, lại là một chuyến đi... nhặt rác. Ban đầu tôi cũng nghĩ thuyết phục người khác làm việc đó cùng mình thì không dễ, nhưng thật bất ngờ là mọi người lại hưởng ứng nhiệt tình".

Cô Huệ không giấu sự mong muốn là sẽ mở rộng hơn nữa hoạt động của mình thành một hoạt động xã hội thực sự sâu rộng, thực sự có ý nghĩa hơn nữa. "Qua các chuyến đi, điều tôi hướng tới là thay đổi hành vi, nhận thức của giới trẻ về vệ sinh môi trường, về ý thức với cộng đồng. Giới trẻ là chủ nhân tương lai đất nước, nếu chúng ta làm được điều đó, tôi tin là rác tại các khu du lịch sẽ được để vào đúng chỗ" - cô Huệ nói.

Nguồn: LĐ