Ðảo Ðá Tây - điểm tựa giữa trùng khơi

Cập nhật: 28/06/2022
Là một trong những đảo đá ngầm của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cụm đảo Đá Tây có vị trí rất quan trọng, là điểm tựa an toàn cho ngư dân các tỉnh miền Trung vươn khơi, bám biển. Tại đây, ngoài âu tàu rất lớn để tàu thuyền tránh trú bão, còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản biển Đông) cung cấp dịch vụ để ngư dân đánh bắt hải sản.

Nhiều năm qua, cụm đảo này luôn là điểm đến an toàn của ngư dân trong những chuyến ra khơi suốt dọc vùng duyên hải miền Trung đến cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, các tàu cá khi đến đây còn được cung cấp nhiều dịch vụ để khai thác ngư trường biển xa.

Đảo Đá Tây dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý, gồm 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng. Dải san hô Đá Tây cũng giống như các rạn san hô khác, được hình thành bởi hoạt động của một dải núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm trước. Dung nham núi lửa phun trào lên tới mặt biển và bị nguội lại, tạo thành một bãi đá ngầm, nằm dưới mặt nước biển chỉ vài mét.

Đảo Đá Tây có âu tàu thuận lợi cho ngư dân vào tránh bão, sửa chữa thiết bị tàu, thuyền - Ảnh: baodanang.vn

Hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa dưới đáy biển nên cấu tạo của các dải san hô thường là hình trải dài, có vành đai phía ngoài cao, ở giữa lõm tạo thành hồ sâu từ vài chục tới cả trăm mét. Các hồ này trở thành nơi trú ẩn tự nhiên rất an toàn và thuận lợi cho các tàu bè khi gặp bão gió. 

Đặc biệt, tận dụng lợi thế như lòng hồ tự nhiên ở cụm đảo Đá Tây, từ tháng 5-2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên thềm san hô. Từ khi hoạt động, trung tâm đã cung ứng nhiều dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa, như: Nước ngọt miễn phí; cung cấp xăng dầu, lương thực, thực phẩm; sửa chữa tàu thuyền; tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Đây là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, là hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển. Bên cạnh đó, đảo đã hỗ trợ mì tôm, thịt, nước uống... tạo niềm tin cho ngư dân an tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo.

Trên quần đảo Trường Sa hiện có 6 âu tàu: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây. Những âu tàu ở các đảo này sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn, nhỏ đến trú tránh bão. Các âu tàu cũng có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất lớn, đủ sức cho các tàu trọng tải hàng ngàn tấn ra, vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật. Đến năm 2020, quần đảo Trường Sa có 6 khu neo đậu hiện đại kết hợp cảng cá tại các đảo: Đá Tây, Phan Vinh, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn.

Trong thời gian qua, nhờ được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động và bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây phải vận chuyển từng bao đất nhỏ từ đất liền ra. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã thực hiện tốt tăng gia, sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống. Ngoài ra, các điểm đảo được trang bị tivi. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời hằng ngày thông tin trong nước và thế giới. 

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây luôn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, làm chủ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Trà (t/h)

Nguồn: Báo Bình Phước - baobinhphuoc.com.vn - Đăng ngày 27/06/2022