Những khu đất công, đầm lầy, bãi rác chuyển mình thành công viên rợp bóng mát nhờ sự chung tay của nhà hảo tâm và cộng đồng
Trưa cuối tháng 6-2022, dưới những tán cây xanh mướt của công viên Thanh Niên (phường Thạnh Lộc, quận 12), em Phan Văn Quốc Duy (12 tuổi) cùng nhóm bạn vui vẻ chơi đùa.
"Được nghỉ hè, không phải đến trường nên tụi em rủ nhau ra đây. Đi từ nhà tới đây chưa đầy 5 phút nên rất tiện lợi. Công viên có xích đu, bập bênh, sân chơi rộng rãi nên em và các bạn rất thích" - Duy nói.
Công viên tại hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP HCM. Ảnh: Lê Vĩnh
Chủ động tìm kinh phí
Công viên Thanh Niên rộng khoảng 900 m2, được đặt nhiều ghế đá, thiết bị tập thể dục, bập bênh, xích đu, thú nhún… tất cả đều rất mới. Khu vực trung tâm là những hàng cây cành lá sum suê, nhờ vậy, dù buổi trưa nhưng vẫn thu hút nhiều trẻ em. Hàng rào cao khoảng 30 cm được dựng lên xung quanh để bảo vệ, ngăn các phương tiện giao thông.
Anh Huỳnh Ngọc Huy, Trưởng Ban Công nhân Lao động Quận Đoàn 12, cho biết đây là công trình do Quận Đoàn 12 thực hiện từ năm 2017 với tổng kinh phí 475 triệu đồng. "Trước đây, khu vực này là đất công chưa được sử dụng, lâu ngày trở thành một bãi rác làm ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Quận Đoàn 12 đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Thạnh Lộc vận động các nhà hảo tâm và người dân cùng đóng góp kinh phí để xây dựng công viên này" - anh Huỳnh Ngọc Huy cho biết. Cũng theo anh Huy, người dân địa phương đã lập tổ tự quản để bảo vệ công viên. Hạng mục nào xuống cấp thì kịp thời sửa chữa và tự vận động kinh phí để lắp đặt thêm thiết bị.
Rời quận 12, chúng tôi đến công viên tại hẻm số 2695 Phạm Thế Hiển (phường 7, quận 8). Mọi thứ ở đây đều gợi nên cảm giác tươi mới, mát mẻ bởi những cơn gió dịu nhẹ từ rạch Bà Tàng.
Nơi đây từng là đầm lầy ken đặc rác rưởi, ruồi muỗi, xác động vật… Qua quá trình vận động xã hội hóa, gần nửa tỉ đồng được rót vào diện tích 450 m2 để biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng của cư dân vào mỗi sáng và chiều tối. Ông Trương Hoài Bảo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 7, quận 8 - cho hay về lâu dài, quận và thành phố cũng sẽ đầu tư phát triển mảng xanh. Trong khi chờ đợi thì UBND phường 7 chủ động tìm kinh phí để xây dựng công viên.
Theo ông Bảo, việc chính quyền đứng ra làm công viên với sự chung tay của người dân đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, phường đã hoàn thành 3 công viên, 1 vườn thuốc nam cùng nhiều tuyến hẻm được nâng cấp, mở rộng. Hiện địa phương đang khảo sát vị trí và dự trù kinh phí để từ đây đến cuối năm làm thêm một số công viên khác trên địa bàn phường.
Các bạn nhỏ vui chơi tại công viên Thanh Niên, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh Lê Vĩnh
Nhiều giải pháp tăng mảng xanh
Việc tổ chức tổng vệ sinh môi trường, chuyển hóa các điểm phát sinh rác thải thành mảng xanh được coi như hoạt động thường xuyên ở nhiều nơi trong thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành, thời gian qua, quận hoàn thành 20 công trình chuyển hóa các điểm phát sinh rác thải thành công viên, khu luyện tập thể dục thể thao. Các điểm vốn là điểm đen rác thải, ô nhiễm được cải tạo đã góp phần làm xanh - sạch môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường sống của người dân. Còn ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết quận có tổng cộng 36 công viên cây xanh, 54 mảng xanh công cộng cùng 69 tuyến đường được trồng cây xanh. Dự kiến trong năm 2022, quận tổ chức trồng mới hơn 600 cây xanh trên các tuyến đường ven kênh rạch và vỉa hè… Ngoài ra, chính quyền vận động nhân dân và các nguồn xã hội hóa để chỉnh trang, hoàn thiện dần các khu đất công đã trồng cây nhằm phát triển thành công viên hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, thông tin là địa phương đông dân nhất TP HCM, quận phấn đấu đến năm 2025 thêm khoảng 10 ha công viên cây xanh. Bình Tân cũng đặt kỳ vọng dự án công viên rộng 3 ha dọc Quốc lộ 1A (gần vòng xoay An Lạc), dự án công viên ở bãi rác Gò Cát sẽ đáp ứng đáng kể nhu cầu của người dân. "Sắp tới, chúng tôi sẽ làm trước một phần công viên cây xanh tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng vài hecta do đã cơ bản hoàn thành di dời bốc mộ giai đoạn 1. Khu vực này đã có quy hoạch làm công viên cây xanh và đã bốc mộ xong nên quận vừa xin vốn thành phố để làm công viên cây xanh" - ông Sử nói thêm.
Bên cạnh kêu gọi xã hội hóa, TP HCM còn áp dụng các giải pháp căn cơ để phát triển mảng xanh. Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân, từ gợi ý của Chủ tịch UBND thành phố mới đây, Sở Xây dựng cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã bàn thảo và thống nhất nhiều nội dung, trong đó có việc lập danh mục quỹ đất trống có thể trồng cây hoặc xây dựng công viên ngay. Cụ thể như đất cây xanh công cộng (có nguồn gốc đất công), đất dự trữ giao thông, đất hành lang ven sông kênh rạch...
Cùng với đó, hai sở trên cũng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp gia tăng quỹ đất quy hoạch cây xanh công cộng cho thành phố, trong đó ưu tiên bổ sung quỹ đất tại các địa phương có chỉ tiêu cây xanh đầu người thấp…
Gợi ý của Chủ tịch UBND TP HCM
Nhằm phát triển không gian xanh đô thị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gợi ý 3 nội dung để các sở, ngành và địa phương triển khai.
Thứ nhất, tạo những mảng thiên nhiên trong thành phố; ưu tiên thực hiện tại các công viên, mảng xanh, công sở, nhà dân. Thứ hai, phát động đến từng địa phương thực hiện "Góc phố tôi yêu". Thứ ba, quy hoạch thêm các không gian cây xanh, có hướng dẫn kỹ thuật trồng cây xanh và cơ chế huy động xã hội hóa cho việc trồng và chăm sóc cây xanh thông qua việc lập quỹ phát triển cây xanh thành phố.
|
Lê Vĩnh - Quốc Anh