Cây mắm, cây đước từ lâu đã trở thành loại cây đặc trưng của vùng sông nước Mũi Cà Mau. Đặc biệt, cây mắm được ví là cây tiên phong giữ đất, lấn biển ở các khu vực đất bồi ven biển…
Ông Lê Đồng Khởi (đứng đầu), ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi mất hơn 4 năm chăm sóc, cắt tỉa hàng rào cây mắm và các loại cây cảnh khác để tạo diện mạo đẹp trước sân nhà, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Mắm rất dễ trồng, dễ bén rễ ở vùng đất bồi, có bộ rễ tua tủa bện chặt, một phần bám sâu đất bùn, một phần mọc ngược trở lên khỏi mặt bùn tầm 2-3 tấc, vì thế chúng có tác dụng giữ đất rất tốt, hạn chế sạt lở đất do tác động của thuỷ triều, những làn sóng biển hoặc làn nước từ các phương tiện thuỷ dập vào bờ… Mỗi năm Mũi Cà Mau vươn ra biển được khoảng 50-100 m cũng một phần nhờ loài cây này. Dọc theo các con sông, kênh, rạch vùng ven biển cũng như nội địa tỉnh Cà Mau, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những dãy mắm màu xanh với bộ rễ lia chia lấn bãi bồi, giữ đất.
Xuất phát từ đặc tính ấy của cây mắm, người dân trong tỉnh đã tận dụng trồng cây mắm ven sông thành bờ kè giữ đất, chống sạt lở. Đây là một trong những giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao.
Cây mắm thích nghi tốt ở vùng ngập mặn, có sức sống mãnh liệt, bộ rễ nhiều, bện chặt và cắm sâu vào lòng đất, với sức chịu đựng cao trước tác động của sóng, gió, thời tiết khắc nghiệt…
Hiện nay, để góp phần giảm chi phí xây dựng bờ kè chống sạt lở, nhiều địa phương trong tỉnh khuyến khích, vận động người dân trồng, giặm cây mắm ven sông. Không chỉ trồng để giữ đất, chống sạt lở, nhiều hộ dân còn chăm sóc, cắt tỉa thành những hàng rào mắm rất đẹp, vừa tôn nét đặc trưng vùng sông nước Cà Mau, vừa tạo mỹ quan cho vùng nông thôn, góp phần cùng quê hương xây dựng nông thôn mới.
Cùng với cây mắm, cây đước cũng được chọn trồng ven sông để giữ đất. (Ảnh chụp trên địa bàn xã Đông Thới, huyện Cái Nước).
Loan Phương thực hiện