Nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn biên giới

Cập nhật: 30/06/2022
Mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở một số địa phương của nước ta vẫn diễn ra phức tạp. Trên địa bàn biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ rừng, hệ sinh thái và động vật hoang dã.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng bàn giao động vật hoang dã do người dân săn bắt cho lực lượng Kiểm lâm để xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: Viết Lam

Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang quyết liệt triển khai các biện pháp bảo vệ, tạo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã được bảo tồn và phát triển.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã đều bị nghiêm cấm. Tùy theo mức độ hành vi vi phạm pháp luật mà tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng buôn bán động vật hoang dã đã tìm mọi cách móc nối, mua chuộc người dân bản địa sinh sống ở khu vực rừng núi tham gia săn bắt, mua bán trái phép các loại động vật hoang dã đưa ra thị trường tiêu thụ. Mục đích của các đối tượng chủ yếu phục vụ cho việc làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức... Trước thực tế tình hình, chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên trách đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Trong đó, xác định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc cùng bảo vệ các loài động vật hoang dã là hết sức quan trọng.

Trên địa bàn do các đơn vị BĐBP phụ trách, có nhiều khu vực có sự đa dạng sinh học cao, có thể kể đến các khu rừng nguyên sinh ở biên giới Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Nam; các khu dự trữ sinh quyển thế giới như: Mũi Cà Mau, Núi Chúa (Ninh Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai), miền Tây Nghệ An, Cát Bà (Hải Phòng)...

Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, các đơn vị BĐBP đã tích cực tham gia thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Tại khu vực biên giới, các đồn Biên phòng đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân biên giới, trong đó, chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị Kiểm lâm, Ban quản lý rừng vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Cùng với đó, các đơn vị BĐBP và Kiểm lâm phối hợp tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, hệ sinh thái rừng đầu nguồn. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc xâm hại rừng, săn bắt trái phép động vật hoang dã.

Điển hình, ngày 10/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát địa bàn, tổ công tác của Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện một đối tượng khả nghi gùi bao tải trên vai, đi từ trong rừng ra. Khi nhận thấy sự xuất hiện của lực lượng thực hiện nhiệm vụ, đối tượng đã bỏ lại hiện trường một bao tải rồi lợi dụng địa hình rừng núi tẩu thoát.

Qua công tác kiểm tra, tổ công tác của Đồn Biên phòng Bản Giàng phát hiện bên trong bao tải do đối tượng bỏ lại có một cá thể khỉ mốc (động vật hoang dã thuộc nhóm II B có tên khoa học là Macaca assamensis), trọng lượng 5kg, đã bị thương ở chân trái và một cá thể tê tê (động vật hoang dã thuộc nhóm I B có tên khoa học là Manisjavanica), trọng lượng 1kg. 2 cá thể do BĐBP tạm giữ nằm trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau đó, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã tổ chức bàn giao cá thể khỉ mốc và tê tê cho lực lượng Kiểm lâm của Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh để thả về môi trường tự nhiên.

Trung tá Phan Trọng Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết: “Trên khu vực biên giới do đơn vị phụ trách có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn. Cùng với quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi xác định bảo vệ rừng ở khu vực biên giới là công tác quan trọng. Thời gian qua, đơn vị chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân trên địa bàn chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt nên vẫn có một số đối tượng lén lút săn bắt, buôn bán động vật hoang dã để trục lợi”.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi mua bán, săn bắn động vật hoang dã, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen sử dụng, sưu tầm các sản phẩm từ động vật hoang dã. Đặc biệt, cần thay đổi suy nghĩ sai lầm cho rằng, sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm có những công dụng như “thần dược” để chữa bệnh. Từ đó, không đánh đổi sự sống của động vật hoang dã quý, hiếm để tạo ra những sản phẩm không có hoặc tác dụng chữa bệnh chưa rõ ràng.

Viết Lam

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 29/06/2022