Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 30/06/2022
“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác… ĐBSCL cần tinh thần tự tin, tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như thế tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 được tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây.

Hình minh hoạ: baocamau.com.vn

Có thể nói, trận hạn mặn lịch sử năm 2016 là hồi chuông cảnh báo cho châu thổ miền Tây khi đối diện với những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Ngay sau đó, Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đã ra đời. Gần 5 năm qua, các bộ ngành và địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện quyết liệt.

Theo quan điểm “thuận thiên”, Nghị quyết số 120 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức chính quyền các cấp, các ngành và người dân về thay đổi tư duy phát triển từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết để hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị.

Việc công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 là quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” đã định hình chiến lược phát triển cho tương lai. Thủ tướng cũng đã ký quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Chủ tịch, kèm theo quy chế hoạt động. Đây là Hội đồng Điều phối vùng đầu tiên của cả nước.

Về triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Các địa phương cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương”.

Nguồn lực thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, dành cho ĐBSCL là rất lớn với tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, quy hoạch lần này thể hiện cách tiếp cận toàn Chính phủ và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu của ĐBSCL.

“Tuy nhiên, chuyển từ tầm nhìn và quy hoạch sang thực hiện luôn là một thách thức. Đã có một số vấn đề cần được giải quyết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế ĐBSCL. Chẳng hạn như tình trạng di cư ở ĐBSCL hay tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Những rủi ro trên là thách thức không nhỏ cho ĐBSCL trong việc đạt các chỉ tiêu đầy tham vọng mà quy hoạch đặt ra”, bà Carolyn Turk lưu ý.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển.

Như vậy, từ chủ trương của Đảng đến việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện… đều có hệ thống và rất tích cực; vấn đề là các địa phương, các bộ ngành, tổ chức quốc tế cùng phối hợp để thực hiện có hiệu quả, thực chất.

Cao Phong

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 30/06/2022