Là địa phương có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan môi trường độc đáo, Quảng Ninh có nhiều lợi thế nổi trội để phát triển KT-XH nhưng cũng luôn gặp nhiều thách thức lớn đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hiệu quả, Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường, được công nhận đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố thực hiện bảo vệ môi trường ở mức tốt.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ TNMT, tỉnh Quảng Ninh trồng rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Ảnh: Đỗ Phương
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, tỉnh Quảng Ninh đã dành gần 4.300 tỷ đồng cho kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường (chiếm khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương). Việc dành nguồn lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đã giúp Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đều hoàn thành và vượt mục tiêu.
Mặc dù là địa phương trọng điểm về khai thác than, sản xuất nhiệt điện, xi măng, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh không còn điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, chất lượng môi trường sống nhiều nơi được duy trì, bảo vệ ở mức tốt và rất tốt. Cùng với đó, tỉnh cũng đã thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học và triển khai một số mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, có việc tái sử dụng đất đá thải mỏ, tro xỉ thải làm vật liệu san lấp mặt bằng, đồng thời xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt trong lò nung xi măng; tái xử lý nước thải mỏ làm phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than...
Cán bộ, nhân dân TP Hạ Long tổ chức trồng cây gỗ lớn tại thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm. Ảnh: Ngọc Khánh-CTV
Tỉnh cũng đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống 148 trạm quan trắc môi trường tự động kết nối từ huyện đến tỉnh và Bộ TN&MT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, cải tạo, phục hồi môi trường thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,5% năm 2022, đứng thứ 14 cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh đã lập hồ sơ đề cử, bảo vệ thành công và được Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN công nhận khu Bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN; đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới; phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; nghiên cứu, củng cố hồ sơ đa dạng sinh học và các giá trị để tiếp tục thành lập 4 khu bảo tồn thiên nhiên (Đồng Rui - Tiên Yên; Vịnh Hạ Long; Cô Tô - Đảo Trần; Quảng Năm Châu)… Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chắc chắn sẽ là những "mảng xanh” trong công tác bảo vệ môi trường của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, trong cộng đồng dân cư, phong trào “Giảm thiểu rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh những năm qua cũng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh được công nhận đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố (bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Trà Vinh) thực hiện bảo vệ môi trường ở mức tốt và đứng thứ 2 toàn quốc về thực hiện các chỉ số quản trị môi trường trong bộ chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Bộ chỉ số PAPI)...
Sở NNPTNT cùng các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại với người dân về quá trình quy hoạch và thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần.
Đánh giá về cách làm của Quảng Ninh trong Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2022 được Bộ TNMT phối hợp với tỉnh tổ chức tại Tiên Yên ngày 27/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã khẳng định: Bộ TNMT chọn tỉnh Quảng Ninh để tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng các ngày môi trường bởi đây là địa phương có sự đa dạng và phong phú các loại hình tài nguyên, tính đặc sắc cao về đa dạng sinh học. Đặc biệt hơn cả khi đây còn là địa phương điển hình thực hiện chiến lược tăng trưởng từ "nâu sang xanh", phát triển kinh tế quốc phòng nhanh bền vững; có nhiều hành động, cách làm hiệu quả về bảo vệ môi trường mà hiếm nơi nào ở Việt Nam làm được.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thừa nhận rằng công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế như: Môi trường sống, các hệ sinh thái vẫn đang chịu sức ép nặng nề do biến đổi khí hậu, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa; mâu thuẫn trong việc phát triển KTXH trên cùng địa bàn, không gian của tỉnh vừa phát triển công nghiệp khai khoáng, xi măng, nhiệt điện, đồng thời với phát triển du lịch đã đặt ra thách thức, xung đột cần có giải pháp căn cơ, tổng thể để giải quyết; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường được tăng cường hơn so với giai đoạn trước, nhưng vẫn cần bổ sung thêm để đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh; các thành phần KTXH tham gia công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, số dự án có nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ chưa cao.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Hướng đến xây dựng một môi trường sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó sẽ chú trọng xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển KTXH; đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẽ yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, để từ đó góp phần phát triển KTXH nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hoàng Nga