Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch

Cập nhật: 11/07/2022
Rác thải nhựa đang trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa tới nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Vì thế, việc tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch sẽ giúp cho ngành kinh tế mũi nhọn này ở nước ta phát triển bền vững.

Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất. Đặc biệt năm 2019, ước tính lượng rác thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam khoảng trên 230.000 tấn. 

Để giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch và nhận thấy hai địa phương Ninh Bình và Quảng Nam là các điểm đến có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường, Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn hai địa phương này để triển khai các hoạt động của dự án.

Tỉnh Ninh Bình được Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn triển khai hoạt động "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch". Ảnh: Minh Đức 

Với đề xuất hoạt động "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" được triển khai trong hai năm 2022 và 2023. Theo đó, các hoạt động chính của dự án là nghiên cứu, điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch.

Hiện nay, Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chịu nhiều áp lực lớn về môi trường từ hoạt động giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Rác thải nhựa đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long.

Để giảm thiểu tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Đó là có thể phát triển một hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch cho Vịnh Hạ Long, sắp xếp xen kẽ thời điểm khởi hành để giảm sự tập trung tàu ở một số điểm. Tại các hang động, điểm tham quan, khu vực từ bến cập tàu, trên đường dẫn khách tham quan cần bố trí thùng rác có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ.

Thành phố Hạ Long duy trì các tổ bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Ảnh: Nguyễn Hùng 

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục phối hợp với các đơn vị địa phương tiếp tục triển khai dự án “ “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”. 

Dự án triển khai nhằm nâng cao kiến thức về quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải và rác thải nhựa; triển khai các hoạt động kiểm toán rác; triển khai các đợt ra quân làm sạch biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản; trang bị các trang thiết bị, dụng cụ phân loại rác cho các hộ dân. Các gia đình phân loại rác tại nhà, không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần đã góp phần không nhỏ để xây dựng một thành phố ven biển xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Tại Bình Thuận, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, địa phương này đang thực hiện dự án Quản lý rác thải nhựa Bình Thuận do Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) tài trợ với tổng kinh phí thực hiện hơn 3,3 tỷ đồng.

Dự án được triển khai trong 2 năm (2020 - 2022) ở các địa phương: thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong, huyện Phú Quý. Trong đó, tập trung ở các địa điểm phát sinh nhiều rác thải nhựa như: cảng cá Phan Thiết, tuyến đường du lịch Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Phan Thiết); cảng cá Liên Hương, tuyến tàu du lịch từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra Hòn Cau (huyện Tuy Phong); các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải (huyện Phú Quý).

Tỉnh Bình Thuận triển khai giảm thiểu rác thải nhựa tại các cảng cá, tuyến du lịch, các xã ven biển đang khai thác hoạt động du lịch 

Trong quá trình triển khai, dự án đã tập trung vào các hoạt động truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau như: ra quân thu gom rác thường xuyên tại các tuyến kè bờ biển, khu dân cư; trang bị các thùng rác tại nơi công cộng, tàu cá, các điểm du lịch; khuyến khích các nhà hàng khách sạn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hoạt động; hình thành các bãi rác xử lý tập trung…

Thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) được coi là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cho thấy Phú Quốc là một trong những địa phương ô nhiễm rác thải nhựa bãi biển cao nhất hiện nay với hơn 90% rác thải trên bãi biển là rác thải nhựa.

Nhằm triển khai hiệu quả những giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong phát triển du lịch, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tổ chức giám sát rác thải biển nhằm thu thập số liệu, làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp, hoạt động của chính quyền địa phương liên quan đến vấn đề rác thải nhựa.

Theo đó, hoạt động giám sát rác thải biển được chia làm 2 đợt trong năm vào tháng 6 và tháng 12 tại các bãi biển không có hoạt động dọn dẹp thường xuyên và chiều dài bãi biển tối thiểu 100m. Sau đó, sẽ lựa chọn 4 mặt cắt ngẫu nhiên để thu gom toàn bộ rác nhân tạo gồm 7 loại chính (nhựa, cao su, kim loại, gỗ chế biến, vải, thủy tinh và các loại rác khác với kích thước từ 2,5cm trở lên) nhằm thu thập dữ liệu về rác giữa các mùa, qua đó so sánh đối chiếu về thành phần, số lượng, khối lượng từng loại rác.

Tại Phú Quốc hoạt động sôi nổi của các nhóm cộng đồng vì môi trường đang cùng với địa phương bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Duy

Ngoài ra, WWF cũng đang làm việc với các nhóm tình nguyện viên cũng như vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, có những chương trình vừa giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động trên biển, vừa tham gia các chương trình thu gom rác thải ngoài trời từ các khu, các bãi biển, từ các đảo xa bờ và mang rác thải về bờ, góp phần làm giảm rác thải nhựa tồn tại trong tự nhiên.

UBND TP HCM vừa ban hành quyết định tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố trong giai đoạn năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, địa phương này tập trung các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm thiểu 75% chất thải nhựa phát sinh trên biển Cần Giờ; thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 100% ngư cụ khai thác thủy sản thải bỏ, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển Cần Giờ.

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM triển khai một số nội dung như: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng và xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động giảm thiểu chất thải nhựa.

Ngoài ra, tại nhiều bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Ninh Thuận), Bãi Cháy (Quảng Ninh), cùng  với các địa phương đang khai thác hoạt động du lịch khác cũng đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích giảm rác thải nhựa cũng đã được giới thiệu nhằm thay đổi thói quen của khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thiên nhiên.

Mai Hương

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 10/07/2022