Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cổ, Con Hổ hay Thảo Phù, Hòn Mệ, là hải đảo tiền tiêu thuộc vùng biển Quảng Trị. Đảo có vị trí phân chia Vịnh Bắc Bộ - Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ. Về hành chính, Cồn Cỏ là huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nơi cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý (điểm gần nhất là Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh).
Theo sử sách ghi lại, từ thế kỷ thứ XVII - XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng chân. Tương truyền dưới thời nhà Nguyễn đây là nơi đày ải những người có tội. Theo các nhà khảo cổ, trong thời gian của những thế kỷ đầu công nguyên Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích. Như vậy, đã từ lâu Cồn Cỏ được người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý đảo này.
Cồn Cỏ là đảo ven bờ, nằm ngoài khơi biển Đông có độ cao trung bình từ 7 - 10 m so với mực nước biển. Trên đảo có 2 điểm cao: điểm phía Đông đảo 37 m (vì vậy có tên điểm cao 37), điểm phía Tây - gần chính giữa đảo - là điểm cao 63,4 m đây là điểm cao nhất đảo. Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị). Đứng trên cao nhìn xuống đảo như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía Tây Nam. Những ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy đảo rất rõ với sự nhô lên 2 điểm cao làm nỗi bật màu xanh sẫm của đảo trên nền trời trong nước biếc. Từ vị trí địa lý đó, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ có vị trí quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ biển Đông.
Sau hiệp định Giơnevơ (1954), một thời gian dài đảo chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, trước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai lăm le chiếm đảo, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh và Chính uỷ E270 thuộc đặc Khu Vĩnh Linh, một trung đội 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu uý Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió trùng dương ra đảo; đúng 11h ngày 08/8/1959 lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Đảo Cồn Cỏ có nguồn gốc núi lửa bazan, dạng đồi đẳng thước rộng 2,3 km2, cao 63 m, nằm cách xa bờ 24 km. Đảo có vị trí lẻ loi ở cửa vịnh Bắc Bộ và khá gần bờ Việt Nam. Mặc dù diện tích đảo nhỏ, nhưng các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất; diện tích, độ cao và cảnh quan sinh thái; động lực và tính ổn định… đã tạo ra giá trị lớn cho đảo về tài nguyên địa – tự nhiên và môi trường sinh cư thuận lợi cho các loài sinh vật và con người.
Về giá trị vị thế địa – kinh tế, Cồn Cỏ thuộc đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, là vị trí ưu tiên đối với phát triển kinh tế biển – đảo của đất nước; là vị trí trung tâm của không gian kinh tế khu cửa vịnh Bắc Bộ. Đây là một địa bàn thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực kinh tế biển như thủy sản, bảo tồn biển, dịch vụ – du lịch cùng với các loại hình dịch vụ khác. Về giá trị vị thế địa – chính trị, đảo Cồn Cỏ có giá trị to lớn đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển. Đảo có giá trị lớn về phòng thủ, là một cứ điểm quân sự vững chắc ở vùng cửa vịnh Bắc Bộ và mắt xích quan trọng nhất trong phòng tuyến các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ. Cồn Cỏ có các giá trị di sản văn hoá biển đảo, đặc biệt là những chiến tích anh hùng trong thời chiến tranh.
Cồn Cỏ là một trung tâm dịch vụ nghề cá quan trọng cho Quảng Trị và các hoạt động đánh bắt xa bờ của các tỉnh lân cận ở ngư trường khu vực cửa Vịnh. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh gió bão cần được xây kè chắn sóng, âu tầu và luồng vào nạo vét sâu thêm, nâng cấp khu cảng cá để có thể tiếp nhận tất cả các loại tầu đánh cá trên vùng biển đảo vào cập cảng; mở rộng khâu tiêu thụ và bảo quản để phát huy hơn nữa lợi thế dịch vụ nghề cá.
Cồn Cỏ có triển vọng còn là một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng đảo – biển. Với các di tích lịch sử hào hùng, cảnh quan đảo núi lửa đặc sắc, đa dạng sinh học cao, không khí trong lành, đảo có tiềm năng lớn trở thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, tham quan thắng cảnh và di tích chiến tranh, du lịch sinh thái và tắm – lặn biển. Tương tự Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ còn có thể là điểm đến của các tàu du lịch viễn dương. Tuy nhiên, do sức chứa có hạn, du lịch biển – đảo cần có những phương án tổ chức thành ‘Cụm du lịch biển, ven biển – đảo’ trên cơ sở nối kết với các địa điểm du lịch ven bờ để giảm tải cho đảo, như: địa đạo Vịnh Mốc, Rú Linh, Cửa Tùng, cầu Hiền Lương,…
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 45/QĐ-TTg năm 2014 về quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến 2020, định hướng đến 2030, khu bảo tồn biển Cồn Cỏ có diện tích 4.000 ha. Thảm rừng trên đảo xanh tốt, đa dạng sinh học biển ở đây khá cao và mức độ bảo tồn còn khá tốt. Các hệ sinh thái (HST) vùng triều có tổng số 307 loài: Thực vật phù du 160, rong biển 40, động vật phù du 54, động vật đáy 53 loài. Các HST dưới triều có tổng số 1.068 loài, gồm: thực vật phù du 219, rong biển 71, động vật phù 134, động vật đáy 173, san hô cứng 150, san hô mềm 31, cá biển 200; cá san hô 90 loài.
Về phát triển kinh tế, vùng biển quanh đảo là một ngư trường thuận lợi, rộng lớn khoảng 9.000 km2 với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Có tới hơn 1.000 loài sinh vật biển sống trong 4 – 5 hệ sinh thái biển ven đảo, trong đó có nhiều loài quí hiếm như rùa biển, vú nàng, tôm hùm, trai ngọc, cua đá,… Trong 267 loài cá biển, có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng các loại động vật đáy cỡ lớn ven đảo gồm trai, ốc, tôm, cua, hải sâm,… khoảng 2.670 tấn. Sản lượng khai thác mực đạt 356,8 tấn/năm và tôm hùm đạt 4,8 tấn/năm3.
Cồn Cỏ có thể phát triển nhiều loại hình dịch vụ khác như giao thông, tìm kiếm và cứu hộ trên biển, báo bão, hướng dẫn đánh cá, thông tin liên lạc, dịch vụ ngân hàng (vay vốn, thanh toán, chuyển khoản, ký gửi…) y tế,… Đây là nơi trú gió bão, trạm trung chuyển cung cấp nước ngọt cho ngư dân, tàu thuyền qua lại. Ngành thủy sản từ nam Quảng Bình đến Quảng Trị phát triển khá mạnh là một lợi thế cho dịch vụ nghề cá ở Cồn Cỏ. Tương lai đây sẽ là trạm trung chuyển khi khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Trung.
Khó khăn hiện nay là thiếu nước ngọt. Nguồn nước ngọt trên đảo khan hiếm, chủ yếu tích trữ từ nước mưa. Nước ngầm trữ lượng không lớn, ở dạng các túi chứa, phân bố tập trung ở phía nam đảo (khoảng 45 ha), chiều sâu ranh giới nhạt/mặn trung bình 30 m, trữ lượng khai thác tiềm năng đạt 894,01 m3/ngày. Trên đảo đã có 3 giếng khoan tổng khai thác 10 – 15 m3/ngày phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Năm 2009 huyện đảo đã xây dựng 1 trạm cấp điện diezel với 2 máy, công suất mỗi máy 66 kVA, nhưng giá thành rất cao. Bên cạnh nguồn điện gió và mặt trời cần phát triển, nguồn điện cáp ngầm từ đất liền nếu được giải quyết như trường hợp các huyện đảo Cô Tô và Phú Quốc thì kinh tế Cồn Cỏ mới thực sự phát triển.
Là một đảo có cây cối xanh tốt, thanh bình và yên tĩnh, nằm không quá xa đất liền, môi trường trong sạch, có rừng và biển, bãi biển cát trắng và rạn san hô đẹp, thủy sản phong phú, Cồn Cỏ hội tụ nhiều điều kiện để phát triển thành một tâm điểm du lịch hấp dẫn. Ở đây, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái và văn hóa: Nghỉ dưỡng, ẩm thực, câu cá giải trí và bắt hải sản, tắm biển, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm xem các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử.
Tú Quyên – Đình Anh