Huyện vùng cao Mai Châu được biết đến là địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Thái. Dẫu trong nhịp sống hiện đại, bạn ít gặp hình ảnh người dân mang trang phục truyền thống hàng ngày nhưng nét văn hoá Thái vẫn thấm đẫm qua lời ăn, tiếng nói, phong tục tập quán hay nếp nhà sàn, các hoạt động lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ…
Vũ điệu keng loóng được các cô gái Thái Mai Châu thể hiện nhằm giới thiệu, quảng bá văn hoá gắn với du lịch tại sự kiện Phiên chợ vùng cao tỉnh năm 2022.
Về các điểm xã: Vạn Mai, Mai Hạ, Mai Hịch, Xăm Khoè, du khách dễ thấy được những nếp nhà sàn của người Thái theo kiến trúc truyền thống. Theo anh Vì Văn Hưởng ở xóm Hịch 1, xã Mai Hịch, ngôi nhà sàn Thái ở Mai Châu gần gũi với kiểu dáng của nhà sàn Mường Bi nhưng gầm sàn được nâng cao hơn, chân cột thanh hơn, cầu thang lên có lan can tay vịn, ván thưng vách chứ không dùng phên đan hoa văn như nhà sàn Mường. Các gian nhà và cầu thang luôn mang số lẻ, hai đầu nhà khum khum hình mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai sinh lập địa, thần Rùa đã dạy cho người Thái cách làm nhà theo hình rùa đứng.
Bên cạnh cảnh sắc nên thơ, cuộc sống thư thái, yên bình, ẩm thực độc đáo, vẻ đẹp kiến trúc nhà sàn Thái có sức hút riêng, trở thành một trong những sản phẩm du lịch, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi khám phá, tận hưởng không gian văn hoá truyền thống, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thung lũng Mai Châu. Các bản làng còn lưu giữ được nhiều nhà sàn Thái quan tâm bảo tồn giá trị bản sắc để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần gia tăng thu nhập. Theo thống kê số lượng có khoảng 80% hộ dân tộc Thái sinh sống trong nếp nhà sàn truyền thống.
Có dịp tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc các khu dân cư xã Tòng Đậu, Chiềng Châu, chúng tôi bị cuốn hút bởi vũ điệu keng loóng rộn ràng phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng của người Thái. Cùng với múa xoè Thái, vũ điệu độc đáo này làm náo nức lòng người, khiến không khí ngày hội thêm vui, thêm gắn kết. Mới đây, nhân sự kiện tuần lễ Phiên chợ vùng cao tỉnh năm 2022, bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, huyện đã tăng cường giới thiệu và quảng bá về văn hoá các dân tộc, điểm nhấn là văn hoá Thái thông qua trang phục dân tộc, biểu diễn keng loóng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống… trong không gian chợ phiên. Những nét văn hoá đặc trưng này cũng được đồng bào Thái ở các xã, thị trấn duy trì thường xuyên. Nhiều bản du lịch cộng đồng như: Văn, Pom Coọng - thị trấn Mai Châu; Lác - xã Chiềng Châu; Hịch 1 - xã Mai Hịch; Bước - xã Xăm Khoè; Nà Phòn, Nhót - xã Nà Phòn… khai thác tiềm năng về văn hoá để phục vụ nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của du khách trong nước, quốc tế. Từ đây, nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn được xây dựng, hình thành, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái, như: Du lịch làng nghề, khám phá ẩm thực địa phương, tìm hiểu nét sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc Thái…
Theo đồng chí Hà Thị Hoà, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện, cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Thái trong Nhân dân, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc nói chung, dân tộc nói riêng, đặc biệt là gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá với phát triển du lịch. Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 10/01/2020 về việc bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hàng năm, địa phương đều tổ chức hoạt động các lễ hội, đặc biệt, đã phục dựng được lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái. Cuối năm 2021, huyện phối hợp với tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hoá nghệ thuật múa keng loóng. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Huyện cũng duy trì hoạt động Phiên chợ vùng cao vào các ngày Chủ nhật hàng tuần tại sân vận động huyện nhằm giới thiệu, quảng bá nét độc đáo chợ phiên, vừa tạo điểm đến thu hút khách thăm quan, trải nghiệm văn hoá đa sắc màu.
Bùi Minh