Tái chế nhựa giá trị thấp thành các tấm ván dùng trong nội thất, thùng rác, biến rác thải nhựa thành những đôi tất, sử dụng rác nhựa làm gạch xây nhà (ecobrick)… nhiều sáng kiến tái chế của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã ra đời nhằm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này vẫn như “muối bỏ bể” trước lượng rác thải nhựa khổng lồ được thải ra mỗi năm.
Những viên gạch sinh thái làm từ rác thải nhựa được dùng để xây nhà. Ảnh: An Nhiên
Từ sáng kiến tới hành động
Tháng 3 vừa qua, nhà học tập cộng đồng tại ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) có tên là nhà “Eco-Bricks” đã đi vào hoạt động. Đây là công trình học tập cộng đồng được xây dựng từ hàng nghìn vỏ chai nhựa (thay cho những viên gạch) nhằm phục vụ đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho học sinh và người dân địa phương, đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân ấp Sơn Trắng. Trường gồm hai phòng học được làm từ hơn 6.000 chai nhựa. Bên trong mỗi vỏ chai nhựa nhét đầy vỏ bánh kẹo, cát rồi được kết chặt lại với nhau bằng dây kẽm và bên ngoài phủ bằng xi-măng tạo nên những bức tường kiên cố.
Tháng 9/2021, Công ty Re.socks ra đời từ một ý tưởng táo bạo: biến chai nhựa thành những đôi tất. Mọi thứ đang ở giai đoạn khởi động, nhưng đội ngũ Re.socks hy vọng dự án của họ có thể góp phần thúc đẩy và tạo ra sự thay đổi cần thiết trong việc tái chế rác thải tại Việt Nam. Mỗi đôi tất tái chế từ ba chai nhựa và mỗi hộp sẽ có ba đôi tất với ba mầu: đen, xám đậm và xám nhạt. Dự án tái chế rác thải nhựa này không chỉ giúp làm giảm số lượng chai nhựa vốn chỉ để mang đi chôn lấp mà còn loại bỏ được lượng khí thải nhà kính thường được tạo ra từ quá trình xử lý polyester. Quách Kiến Lâm, người đứng đầu dự án tự tin rằng “rác thải cũng có thể là một nguồn tài nguyên nếu chúng ta biết cách tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích!”
Ra đời từ ý tưởng biến rác thành vật liệu xây dựng, ReForm Plastic đã thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất tấm ván nhựa từ rác thải vào năm 2020 ở Hội An (Quảng Nam). Đặt văn phòng tại TP Đà Nẵng, ReForm đã hợp tác với chính quyền thành phố để thu gom nhựa giá trị thấp và làm việc với các trường học, khách sạn, văn phòng doanh nghiệp, nhà hàng và quán bar để gom rác thải nhựa. Tại nhà máy ở Hội An, lượng rác thải này được làm sạch, sấy khô, cắt thành vụn nhỏ, rồi đưa qua máy ép nén để làm thành các tấm ván. Cuối năm 2021, ReForm Plastic đã mở rộng sản xuất, nhận xấp xỉ 30 tấn rác thải nhựa công nghiệp mỗi ngày. Rác được cắt vụn, đưa vào máy ép nóng và làm nguội. Thành phẩm sau đó được bán với giá cạnh tranh, được sử dụng nhiều trong các công trình thay thế cho vật liệu từ gỗ. Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị cấp cơ sở, doanh nghiệp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa tại một trong các quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Cần hoàn thiện hệ thống phân loại
Một nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa khác là dự án LSPP (các giải pháp địa phương cho ô nhiễm nhựa) đang triển khai tại nhiều nơi trong đó có thành phố Hội An với chương trình tái chế tuần hoàn. Theo đó, chương trình sử dụng các thùng thu gom (được làm từ nhựa tái chế) với các ngăn được dán nhãn rõ ràng để người dân phân loại rác ngay tại nguồn. Hội Phụ nữ Hội An sau đó sẽ bán rác nhựa cho các trung tâm tái chế và số tiền kiếm được sẽ dùng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vị trí đặt các thùng thu gom sẽ thường xuyên được cập nhật thông qua một ứng dụng di động cho phép mọi người báo cáo những khu vực bị ô nhiễm và các điểm vứt rác nhựa bất hợp pháp.
Hiện nay, thách thức lớn nhất cho những nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đến từ việc thiếu một hệ thống phân loại và tái chế. Theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các thành phố phải có trách nhiệm xử lý và tái chế rác thải. Tuy nhiên, khu vực chính thức vẫn chưa được trang bị đầy đủ hệ thống phân loại và xử lý rác thải. Hiện tại, việc phân loại, thu gom rác thải nhựa có thể tái chế vẫn phải nhờ vào những thành phần thuộc khu vực phi chính thức như đội ngũ nhặt ve chai ở quy mô tự phát. Nhựa được thu gom sẽ được bán cho các trung tâm xử lý rác. Tại đây, rác nhựa sẽ được cắt nhỏ hoặc làm thành viên để bán cho các nhà máy.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa (trong đó chỉ 10 đến 15% trong số đó được thu gom để tái chế), khoảng 730 nghìn tấn chất thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra đại dương. Theo các chuyên gia, cần phải có một cú huých lớn để tạo ra thay đổi thật sự trong việc giảm thiểu ô nhiễm thải nhựa.
Ngày 8/7, cuộc thi “Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation” đã được khởi động. Cuộc thi hướng tới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp có sáng kiến giảm rác thải nhựa sáng tạo, góp phần vào công cuộc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Hà An