Trong cuộc thảo luận tại Đại hội đồng ngày 19/7, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đã đồng loạt khuyến khích mọi người trên thế giới thay đổi mối quan hệ với thiên nhiên khi trái đất đang bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học.
Gần gũi và bảo vệ môi trường tự nhiên giúp con người có một cuộc sống thịnh vượng và bền vững hơn. (Ảnh: Khánh Linh)
Phát biểu khi mở đầu cuộc thảo luận với chủ đề: “Thời gian dành cho thiên nhiên”, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nêu rõ: “Chúng tôi biết tình hình rất nghiêm trọng. Tôi đã thấy điều này ở đất nước của tôi, Maldives. Chỉ mới gần đây, hơn 1/3 các hòn đảo có người sinh sống đã bị ảnh hưởng bởi đợt sạt lở - bất ngờ xảy ra vào thời điểm này trong năm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế, nông nghiệp, đất đai và nhà cửa. Hãy tưởng tượng, khi nước biển tràn vào hòn đảo, không có cảnh báo trước, và không có nơi nào để đi”. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi đã bị dồn vào đường cùng vì sự liều lĩnh của mình. Chúng tôi biết điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn và nhanh chóng, khi chúng tôi tiếp tục trì hoãn các hành động cần thiết” – ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, vẫn chưa quá muộn và chúng ta vẫn có thể thay đổi mọi thứ”. “Cùng nhau, chúng ta có bí quyết và nguồn lực để đạt được những chuyển đổi lâu dài; những biến đổi có thể đưa chúng ta đến một thế giới bền vững và thịnh vượng hơn” – ông nhấn mạnh. Theo ông, Đại hội đồng Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy đồng thuận chính trị, tạo động lực và đưa ra định hướng chiến lược cho hệ thống Liên hợp quốc trong vấn đề này. Ông Abdulla Shahid nhấn mạnh: Hội đồng này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ đối tác trong cộng đồng toàn cầu trên quy mô của tham vọng cần thiết.
Trong một thông điệp video được gửi tới cuộc thảo luận, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhắc lại rằng một "hành tinh khỏe mạnh là nền tảng cho sự hạnh phúc của con người, sự phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài". Đối mặt với cuộc khủng hoảng 3 mặt về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, ông cho rằng loài người nắm giữ "chìa khóa cho giải pháp" vì "các hoạt động của con người là gốc rễ của tình trạng khẩn cấp hành tinh này".
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, bây giờ là lúc để chuyển đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và vạch ra một lộ trình mới. Ông nói: “Cùng nhau, chúng ta có thể và phải dẫn dắt nhân loại trên con đường sống hòa hợp với hành tinh”. Trước tiên, Tổng thư ký António Guterres cho rằng cần phải “hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C”. Theo ông, tại hội nghị khí hậu COP 27 ở Ai Cập, chúng ta cần các cam kết giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Thêm vào đó, chúng ta phải “ngăn chặn và đảo ngược sự mất tự nhiên”. Ông nói: “Tại hội nghị đa dạng sinh học COP 15 ở Montreal, chúng ta cần một thỏa thuận toàn cầu táo bạo giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học”.
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) Collen V. Kelapile cũng cho rằng chúng ta phải “làm mọi thứ có thể để thay đổi mô hình tiêu dùng và sản xuất”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Collen V. Kelapile nêu rõ: “Chúng ta phải xuất hiện ở phía bên kia đường hầm thành một thế giới hành động có trách nhiệm, đáp ứng bền vững nhu cầu ngày càng tăng của con người và bảo tồn thiên nhiên và môi trường của chúng ta. (…) Nếu chúng ta tìm thấy sự cân bằng với thiên nhiên và hạn chế các hoạt động của con người, chúng ta có cơ hội thành công. Chúng ta đang nợ chính mình, và trên hết là các thế hệ tương lai”./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP, Xinhua)