Sản phẩm bàn ghế tái chế đến với học sinh vùng lũ miền Trung

Cập nhật: 22/07/2022
Từ cuối năm 2021, những lô ván ép bằng nhựa thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (Công ty Thanh Tùng 2) tại khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bán cho khách hàng người Scotland. Sự kiện này mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa.

Sản phẩm tái chế tấm ván nhựa của Công ty Thanh Tùng 2 được chuyển giao từ Công ty Reform CHLB Đức với chất lượng cao, thân thiện môi trường. Kết quả phân tích và thử nghiệm các thông số đều đạt các tiêu chuẩn về độ bền, an toàn với sức khỏe người sử dụng và môi trường. Các loại ván sản xuất với kích thước từ 2m x1,2m x 0,8m đến 2,3m x1,3m x0,8m; mỗi tấm nặng 30kg đến 40kg và lượng rác cho mỗi tấm ván khoảng 45 - 50kg rác nhựa các loại…

Đoàn Thanh niên Công an huyện Quế Sơn, tỉnh Quang Nam thay Lãnh đạo Công ty Thanh Tùng 2 trao tặng bàn ghế cho Trường Tiểu học xã Quế Mỹ

Ngoài tấm ván nhựa xuất khẩu, Công ty còn có sản phẩm gạch cao su làm từ nhựa tái chế rất phù hợp lót nền trong nhà bếp, nhà tắm, trường mẫu giáo; ghế sử dụng trong công viên, bàn ghế dùng cho học sinh ở miền núi; thùng đựng rác khổ lớn; vách ngăn trong nhà thay thế tấm thạch cao hoặc kính nhôm…

Tổng Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 Bùi Xuân Hùng cho biết, trong lần công tác tại miền Trung chúng tôi có dịp trao đổi với các thầy, cô giáo ở nơi đây và được biết, mấy năm qua lũ lụt liên tục làm bàn ghế và đồ dùng hư hỏng nặng, không có kinh phí để tu sửa. Sau chuyến đi đó, chúng tôi nảy sinh ý tưởng và lên kế hoạch sản xuất bàn ghế từ tấm ván ép nhựa tái chế của Thanh Tùng 2 thay thế cho các sản phẩm bàn ghế, tủ thư viện... cho các em học sinh ở vùng lũ, lụt. Sản phẩm tấm ván nhựa được gia công và lắp ráp với chân sắt tạo thành những chiếc bàn học sinh theo đúng kích thước của các trường hiện đang áp dụng cho các cấp học như: tiểu học, trung học cơ sở…cũng như các tủ đựng hồ sơ, sách vở ở lớp, thư viện... Sản phẩm bàn ghế hoàn toàn đáp ứng điều kiện môi trường, bền chắc và đặc biệt là có khả năng chống chịu với thời tiết mưa lũ, chống mối mọt...

Đại diện Công ty Thanh Tùng 2 trao tặng bàn ghế cho học sinh Trường THCS Hải Thành - TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Ban đầu tài trợ cho Trường Tiểu học bán trú Tân Lâm Hương (Hà Tĩnh), đến nay Công ty đã trao tặng sản phẩm bàn ghế tái chế cho nhiều tỉnh miền Trung và Đồng Nai như: Trường Tiểu học 2 Tân Long Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; Trường Tiểu học xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; Trường trung học cơ sở Hải Thành, TP. Đồng Hới, Quảng Bình; Trung tâm Văn hóa thể thao thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.

Ông Huỳnh Phước Lộc - Giám đốc điều hành Công ty Thanh Tùng 2 chia sẻ: Lý do chọn tấm ván nhựa tái chế là bảo vệ môi trường hạn chế khai thác tài nguyên khác như gỗ, kim loại... sản phẩm ván nhựa tái chế vừa thân thiện môi trường lại chống được mối mọt, độ bền cao kể cả khi sử dụng ngoài trời và trong nhà. Ngoài ra, tiêu thụ sản phẩm tấm ván nhựa sẽ hạn chế chôn lấp và đốt, khi hư hỏng hoặc cũ có thể thu hồi tái chế nhựa mà không phải thải bỏ ra môi trường. Thông qua những vật dụng gần gũi hàng ngày, các em học sinh, thầy cô giáo sẽ góp phần tuyên truyền cho các em biết phân loại, tận thu các bịch xốp, nilông, chai nhựa... trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày để tái chế.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học 2 Tân Long Hương (Hà Tĩnh) khi nhận được tủ đựng đồ sinh hoạt và học tập của Công ty Thanh Tùng 2

Do làm từ rác nhựa tái chế nên giá thành khá phù hợp, cụ thể, 1 bộ bàn ghế học sinh khoảng 1.000.000 đồng, tủ sách 2.000.000 đồng; vì thế sản phẩm của Thanh Tùng cạnh tranh được với các loại bàn ghế hiện nay có trên thị trường.

Mục tiêu trong thời gian tới, Thanh Tùng sẽ tạo ra thật nhiều sản phẩm như các đồ trang trí nội thất, thùng rác, bàn ghế công viên, chậu cây cảnh, bàn ghế giáo viên, các lavabo... Đồng thời, mong muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với thông điệp hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa - Tổng Giám đốc Bùi Xuân Hùng chia sẻ.

Phạm Đình

Nguồn: Tạp chí Môi trường - tapchimoitruong.vn - Đăng ngày 20/07/2022