Từ lâu, không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp, các chuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long hay hang động nơi đây của du khách còn được “nêm gia vị”, gây bất ngờ bởi đàn khỉ vàng ở vách đá, cảnh đẹp từ hoa lan hài đốm quý hiếm hay hoa bông mộc rực rỡ dọc đường... Những giá trị, nguồn gen quý trên được coi là nguyên liệu "vàng" phục vụ phát triển du lịch trong tương lai.
Một số bụi lan hài sau khi trồng trên Vịnh Hạ Long. Ảnh lấy từ trang web của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Theo Viện Tài nguyên và Môi trường biển, sinh vật tại vùng Vịnh Hạ Long hiện có khoảng 2.900 loài động thực vật, với trên 1.200 loài động thực vật sống trên cạn, 1.600 loài sinh vật sống trong thuỷ vực. “Nhiều loài, đặc biệt các loài thực vật, hoa có giá trị thẩm mỹ cao và động vật đặc hữu, quý, hiếm được quốc tế công nhận... được coi là tài sản quý giá, có tiềm năng lớn, có thể khai thác, phát huy giá trị trong tương lai. Vì thế thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã liên tục có những hoạt động nghiên cứu, gìn giữ và bảo tồn những giá trị này" - ông Đỗ Tiến Thành, Phó Phòng Nghiệp vụ nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết.
Gần nhất và đáng chú ý là hoạt động nghiên cứu, bảo tồn loài Thạch sùng mí, loài mới phát hiện ở Việt Nam, trước mới chỉ ghi nhận ở đảo Cát Bà. Sự quý hiếm, màu sắc da và đôi mắt "độc và lạ" khiến loài này được gọi là “Nữ hoàng mắt to”, được IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) bảo vệ.
Những tưởng chỉ có ở Cát Bà, năm 2016 và 2018, đoàn cán bộ khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ghi nhận một số quần thể loài này tại một số đảo trên Vịnh Hạ Long. Qua quá trình nghiên cứu, thực địa, các thông tin này được xác định và công bố trên Tạp chí uy tín trong giới khoa học quốc tế là: Amphibian & Reptile Conservation. Nhờ đó, loài này được IUCN cập nhật vào danh lục đỏ của tổ chức này, càng khẳng định thêm tính đa dạng sinh học của di sản.
Thạch sùng mí ở Vịnh Hạ Long được IUCN công nhận và cập nhật vào danh lục đỏ, bảo vệ nghiêm ngặt, khẳng định giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long.
Trước đó, năm 2015, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng nghiên cứu và tiến hành công bố 19 loài nhện mới. Trong đó có 3 loài mới đặc hữu được các nhà khoa học phát hiện tại Vịnh Hạ Long.
Không chỉ được nghiên cứu, được giới khoa học quốc tế công nhận về giá trị, Vịnh Hạ Long còn là “nhà” của nhiều loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị thẩm mỹ cao như: Bông mộc, lan hài, cọ Hạ Long... Các loài này vốn được bảo tồn, gìn giữ tốt, trở thành yếu tố tăng sức hấp dẫn, tô điểm vẻ đẹp các cảnh điểm, phục vụ phát triển du lịch.
Vì thế, với lan hài, loài quý hiếm, nằm trong danh lục đỏ của IUCN, đã được nghiên cứu và triển khai bảo tồn bằng cách chuyển vị trí từ tháng 5/2016, bước đầu đã thành công với 100 cây ở các sườn, vách núi ở Cống Đầm, Cửa Vạn. Nhờ cách làm đó, tới nay đã có khoảng 600 cá thể lan hài tại 2 khu vực này phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sống mới, tạo cảnh quan đẹp.
Đoàn cán bộ khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) nghiên cứu thạch sùng mí trên Vịnh Hạ Long.
Trước đó, năm 2013, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã chủ động nghiên cứu thành công đặc tính sinh trưởng, tiến hành nhân giống bảo tồn cây bông mộc, loài đặc hữu hẹp trong sách đỏ Việt Nam. Nhờ đó, cho tới nay, giống cây có hoa, quả mọc thành chùm rất đẹp đã được trồng thành vạt lớn, khoe sắc ở các điểm trên hành trình tham quan như: 200 cây ở Đầu Gỗ, hòn Lướt; trên 100 cây ở Sửng Sốt, Titop, Mê Cung, Bái Đông... Với cọ Hạ Long, nguồn gen đặc hữu này đã được nghiên cứu, nhân giống từ những năm 2009 với số lượng ban đầu là 100 cây, tới nay thường xuyên nở hoa ở các dãy núi khu vực Tam Cung, Hang Trống, Trinh Nữ, Cát Lán…
Có thể nhận thấy, những nguồn gen quý từ các loài gần đây được phát hiện và bảo tồn càng làm tăng giá trị khoa học hoặc tô điểm cho cảnh quan di sản Vịnh Hạ Long. Và một trong những dự án bảo tồn, phát huy giá trị trên được quan tâm là Dự án Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim. Ngoài hạ tầng phù hợp cảnh quan, môi trường, nơi đây sẽ lưu giữ, giới thiệu nguồn gen quý hiếm của các loài đặc hữu, loài có giá trị, loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, loài đặc trưng của các hệ sinh thái trên vịnh. Nơi đây là điểm duy nhất giới thiệu với khách du lịch một Hạ Long bí ẩn về đa dạng động, thực vật được thu nhỏ.
Cây bông mộc với hoa rực rỡ trên Vịnh Hạ Long.
Từng tham gia giám sát đa dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long, Tiến sĩ Lê Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), nhận định: Qua giám sát ban đầu, quả thật Di sản thế giới Vịnh Hạ Long đang sở hữu một "kho báu" thực sự với hệ sinh thái đa dạng, các nguồn gen quý mà ít nơi có được. Đặc biệt là các giá trị này giàu tiềm năng và có khả năng đưa vào khai thác du lịch".
Có thể thấy, những giá trị trên không chỉ tạo nên tính đa dạng sinh học, giá trị khoa học to lớn mà còn góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, sức hấp dẫn, say đắm nhiều nhà nghiên cứu, du khách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cho tới thời điểm hiện tại, các giá trị, nguồn gen quý trên chưa thực sự phát huy hết giá trị to lớn vốn có hoặc các dự án chưa được triển khai thành công. Nhưng có thể khẳng định, việc nghiên cứu, gìn giữ giá trị quý này là tiền đề quan trọng cho các dự án phát triển du lịch độc đáo, hấp dẫn trong tương lai.
Tạ Quân