Những năm gần đây, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành “công nghiệp không khói” của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, huyện đang nỗ lực phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
Du khách tham quan khu di tích Dinh thự nhà Vương, xã Sà Phìn.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng, đưa Đồng Văn trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch của huyện. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa các dân tộc và các giá trị di tích, di sản trên địa bàn; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng của địa phương; khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách đến địa bàn huyện đạt 25.463 đoàn với 211.690 lượt khách, vượt 549,69% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 234,7 tỷ đồng. Đây là những con số “biết nói” khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của du lịch huyện Đồng Văn phục hồi sau đại dịch.
Thực hiện Kế hoạch số 43 của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện Đồng Văn đã ban hành kế hoạch cụ thể với 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, tập trung bảo tồn văn hóa truyền thống đặc trưng của các làng văn hóa du lịch. Việc bảo tồn một số kiến trúc nhà, mái nhà, hàng rào đá truyền thống, các làn điệu dân ca, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được đầu tư, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch được đảm bảo. Đặc biệt, việc khai thác hiệu quả tiềm năng 3 làng văn hóa của 3 dân tộc Mông, Lô Lô, Giấy đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Hiện, huyện đang đầu tư xây dựng thêm các điểm đến mới tại một số làng có văn hóa, cảnh quan đặc sắc, thu hút du khách như thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn; thôn Lao Xa, xã Sủng Là...
Giải Marathon “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc”.
Xác định văn hóa truyền thống là cốt lõi trong phát triển du lịch, vì vậy, trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch, huyện đặc biệt chú trọng tới sản phẩm du lịch văn hóa. Trong đó, chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Di tích Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thường niên tổ chức các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Gầu tào, lễ hội Khèn Mông của dân tộc Mông, lễ hội xuống đồng, lễ cúng thần Rừng của dân tộc Pu Péo, Cờ Lao; lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô. Chợ phiên vùng cao cũng là một trong những giá trị không gian văn hóa vô cùng đặc sắc thu hút đông đảo du khách trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm cũng được đầu tư, phát triển. Đến nay, huyện Đồng Văn đã phối hợp tổ chức thành công Giải chạy Marathon quốc tế gây dấu ấn mạnh mẽ cho du khách; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người vùng cao đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Các làng nghề thủ công truyền thống như may mặc, nghề thêu trang phục dân tộc Lô Lô, chế tác khèn Mông, rèn đúc lưỡi cày, đan lát dân tộc Cờ Lao, chạm bạc... được quan tâm đã tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết thêm: Huyện xác định việc xây dựng sản phẩm du lịch phải theo định hướng chiến lược, xác định rõ thị trường trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, sản phẩm du lịch phải độc đáo, mang những giá trị đặc sắc, hấp dẫn... tạo dấu ấn riêng cho du lịch huyện nhà.
Bài, ảnh: My Ly