Để xây dựng xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) trở thành miền quê đáng sống, chính quyền, người dân nơi đây ngoài việc triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan… còn tạo hướng đi riêng bằng việc phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái nông thôn. Trong đó, mô hình trồng hoa sen đã, đang mang lại cho miền quê này một sức sống mới...
Mô hình trồng sen kết hợp với du lịch tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) tạo cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng sen nhiều lợi ích
Đầm sen của gia đình anh Trần Đình Lập ở xã Hồng Dương những ngày này tràn ngập một màu xanh cùng hương thơm ngào ngạt từ hoa sen. Anh Trần Đình Lập cho biết, thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, UBND xã Hồng Dương vận động người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập song vẫn phải bảo đảm không gian làng quê, đặc biệt là cảnh quan môi trường và quy hoạch nông thôn mới.
“Năm 2018, tôi bắt đầu trồng thí điểm hoa sen trên diện tích gần 3ha… Thấy hiệu quả kinh tế cao lại tạo ra cảnh quan xanh, sạch cho làng quê nên dần dần mở rộng và trồng đa dạng các giống sen, từ sen trắng, sen hồng, sen đỏ đến sen vàng. Cùng với việc bán hoa sen, hạt sen, trà sen…, gia đình tôi đầu tư xây dựng những cây cầu kết nối các đầm sen, tổ chức dịch vụ cho du khách tham quan…”, anh Trần Đình Lập nói.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hà nội mới, anh Trần Đình Lập cho biết đã thuê đất của các hộ dân, mở rộng diện tích đầm sen lên tới 10ha. Năm nay, gia đình đã đưa giống sen vàng vào trồng. Anh Lập chia sẻ: “Sen vàng là giống nhập ngoại nên mất nhiều công sức chăm sóc so với các loại sen trong nước. Những ngày cuối tuần hay khi thời tiết đẹp, đầm sen vàng thu hút 200-300 lượt khách tới mua các sản phẩm sen, tham quan, ngắm nhìn những đóa hoa hé nở, thưởng thức hương thơm dịu dàng”.
Hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Hồng Dương đã chuyển sang mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái nông thôn. Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Hồng Dương, cho biết: "Từ mô hình nuôi cá và trồng lúa chuyển sang trồng sen chuyên canh, ban đầu tôi chỉ canh tác vài nghìn mét vuông. Sau khi thấy nhu cầu về hoa sen, hạt sen, củ sen ngày một nhiều và các đầm sen có sức hấp dẫn lớn với du khách, gia đình tôi đã chủ động mở rộng sản xuất và làm dịch vụ để mọi người có thể tham quan, mua sen, thưởng trà và chụp ảnh".
Về mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái nông thôn, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hồng thông tin, xã có hơn 600ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều vùng trũng, dù đã triển khai các mô hình luân canh nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Những năm trở lại đây, người dân đã chủ động trồng sen chuyên canh, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo cảnh quan, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp...
Tạo cảnh quan sạch, đẹp
Mùa thu hái sen thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân xã Hồng Dương đã chủ động đa dạng hóa các giống sen, áp dụng nhiều biện pháp thâm canh để có thể kéo dài mùa sen từ tháng 4 đến tháng 11.
Nói về hiệu quả kinh tế của những đầm sen, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, sen là giống cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, không cần dùng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật lại cho lợi nhuận cao. Một số hộ dân đã kết hợp nuôi cá rô phi, cá quả, cá trê lai… trong đầm để tăng thêm thu nhập sau khi kết thúc một chu kỳ của cây sen. Trồng sen ngoài lấy hoa, hạt và ngó sen còn có thể thu hoạch củ... Năng suất củ sen vào khoảng 14 tấn/ha, tương đương 504kg/sào, giá bán dao động 20.000-25.000 đồng/kg...
Đánh giá về mô hình trồng hoa sen kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn xã Hồng Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển nhận định, trồng sen kết hợp du lịch nông thôn là mô hình điển hình trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Hồng Dương. Khi triển khai mô hình, xã đã chủ động tham khảo ý kiến từ nhiều nhà khoa học, theo đó cây sen không chỉ cho hiệu quả kinh tế mà còn hấp thụ kim loại nặng và làm sạch nước một cách tự nhiên.
“Việc đầu tư trồng sen ở các vùng đất trũng giúp thu nhập của các hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần so với áp dụng các mô hình sản xuất khác. Mỗi vụ sen, trung bình các chủ đầm thu về 300-700 triệu đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu về kinh tế, mô hình trồng sen còn góp phần thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất của nhiều nông dân tại địa phương và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt là tạo cảnh quan sinh thái, sạch đẹp cho các làng quê và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng cư dân nơi đây”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - Nguyễn Trọng Khiển cho biết thêm.
Các đầm sen đa sắc, ngát hương tại Hồng Dương, không chỉ mang đến niềm hy vọng cho những người nông dân tảo tần, mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình này cần được nhân rộng tại các vùng đất trũng để Hà Nội ngày càng có nhiều hơn những miền quê giàu đẹp.
Đỗ Minh