Quảng Nam là mảnh đất có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Quảng Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, gánh chịu biết bao hy sinh; hàng vạn người con đất Quảng đã hiến dâng cuộc sống của mình cho độc lập - tự do của quê hương, đất nước.
Ảnh minh họa: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam. (Ảnh: VGP)
Với những cống hiến to lớn và hy sinh cao cả đó, tỉnh Quảng Nam đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng gần 15.400 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất trong cả nước. Các mẹ là những bông hoa mãi mãi ngát hương trong lòng các thế hệ người Việt Nam và trong lịch sử dân tộc.
Vừa rồi, tôi cùng với các đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Lê Thế Tiệm, Võ Tiến Trung, Nguyễn Thanh Tuấn, Lê Thị Thúc, Nguyễn Đức Tuấn, Phan Thanh Châu, Nguyễn Văn Đến, Trương Hùng Linh… đã đến xã Bình Dương, huyện Thăng Bình theo lời mời của anh Phan Đức Nhạn. Anh Phan Đức Nhạn là người có ý tưởng xây dựng dự án không gian Vườn Mẹ tại vùng đất ba lần được phong Anh hùng - Bình Dương.
Qua đi thực địa tại một số vị trí dự định làm Vườn Mẹ và đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bình Dương, tôi được biết thêm, qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, toàn xã có gần 400 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.400 liệt sĩ, 4.700 người dân (hơn 2/3 dân số toàn xã) bị bom đạn kẻ thù giết hại, không gia đình nào là không có người hy sinh cho cách mạng.
Người dân nơi đây luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, bám làng, giữ đất, chiến đấu ngoan cường với quân thù. Căn cứ lõm Bầu Bính tồn tại suốt nhiều năm liền ngay trong lòng địch là minh chứng hùng hồn về tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vùng đất này đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong chống Mỹ (1969 và 1972) và một lần Anh hùng Lao động trong thời bình (1985). Điều này cho thấy vùng đất này không chỉ anh hùng trong chống giặc ngoại xâm mà còn sáng tạo và quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh thời bình.
Qua buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền xã Bình Dương và nghe thuyết trình về dự án không gian Vườn Mẹ, tôi thấy đây là ý tưởng sáng tạo và nhân văn, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, đây là tấm lòng của thế hệ hôm nay muốn ghi nhớ, đền đáp công ơn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng, liệt sĩ.
Theo tôi, đây là dự án rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Dự án này, không chỉ tưởng niệm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng, liệt sĩ người địa phương mà còn tri ân các anh hùng, liệt sĩ mọi miền Tổ quốc đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Qua dự án, mọi người sẽ hiểu hơn phần nào thực tế nhân dân ta đã chiến đấu như thế nào trong mưa bom bão đạn của kẻ thù và trong muôn ngàn gian khổ để tồn tại và chiến thắng.
Theo tôi, trong dự án Vườn Mẹ, cần có mô hình sa bàn tổng thể về thời kỳ chống Mỹ, cùng các địa danh, di tích lịch sử, khu căn cứ của ta, khu vực đồn bốt của địch, để giúp mọi người hình dung quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng như thế nào để bảo vệ quê hương.
Tôi cũng mong trong Vườn Mẹ sẽ có ngày càng nhiều công trình mang hình ảnh của nông thôn mới Bình Dương an lành, hạnh phúc như chính các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng, liệt sĩ hằng mong ước. Như vậy, Vườn Mẹ sẽ không chỉ là di tích lịch sử bi hùng mà còn là hình ảnh của một vùng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh mà chúng ta đang hướng đến như di nguyện của những người đã nằm xuống.
Vườn Mẹ, không những là nơi giáo dục truyền thống cho người dân trong nước mà còn là nơi để giới thiệu với bạn bè quốc tế, làm sao để mọi người thấy được sự độ lượng của nhân dân ta, mong muốn khép lại quá khứ để hướng đến tương lai.
Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai chúng tôi sẽ xây dựng một công trình phúc lợi mang tính văn hóa tại địa phương, để góp thêm hương sắc cho Vườn Mẹ và vun trồng thế hệ tương lai.
Tôi nghĩ, Vườn Mẹ sẽ là không gian văn hóa tâm linh và lịch sử mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ý chí và quyết tâm xây dựng quê hương… cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng