Rừng, với người vùng cao là mẹ. Bao cuộc sinh tồn của cộng đồng, cũng đều dựa vào sự chở che của người mẹ thiên nhiên vĩ đại ấy. Dưới những cánh rừng là sinh kế, là nhịp thở của muôn loài nên cần ra sức giữ gìn.
Chia sẻ về rừng, về vai trò của cộng đồng Cơ Tu trong việc tham gia bảo vệ rừng nguyên sinh, già Cơlâu Nhấp (ở thôn Pơr’ning, xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam) nói, đó là trách nhiệm chung, thể hiện sự tôn trọng đối với mẹ thiên nhiên.
Và tất cả hành động tốt đẹp của cộng đồng với rừng, thông qua các hoạt động chung tay gìn giữ cũng đều xuất phát từ “lòng hiếu thảo”, biểu thị sự văn minh trong câu chuyện ứng xử với mẹ rừng…
Hương ước giữ rừng
Họ Cơlâu và nhiều tộc họ khác nữa của người Cơ Tu ở làng Pơr’ning, đều ra sức bảo vệ rừng nguyên sinh. Minh chứng là rất nhiều hương ước của tộc họ được ra mắt, góp sức tham gia bảo vệ rừng già.
Bởi người Cơ Tu quan niệm, rừng chính là nguồn sống, ban cho con người rất nhiều thứ, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Dù đó là lẽ thường của tạo hóa, nhưng thẳm sâu trong tiềm thức của mỗi người, là phải biết đến sự “qua lại” để không bận lòng với thiên nhiên, với mẹ rừng.
Già Cơlâu Nhấp nói, trước kia, ngay đến việc phát rẫy, đốn gỗ làm nhà, cộng đồng người Cơ Tu cũng đều phải xin ý kiến hội đồng già làng và sự cho phép của thần núi. Bởi, chính họ là những người cai quản và giữ rừng, ngăn sự xâm phạm của con người.
“Ngày nay, diện tích rừng già ngày càng thu hẹp, vì thế, việc giữ rừng càng có ý nghĩa trong cộng đồng, dân cư. Phát huy vai trò của tộc họ, những năm qua, chúng tôi đều vận động và khuyến khích các tộc họ xây dựng hương ước, cam kết từng hộ dân không phá rừng bừa bãi, tích cực tham gia bảo vệ rừng nguyên sinh quý hiếm. Nhờ đó, nhiều cánh rừng không chỉ được phục hồi mà còn được giữ nguyên vẹn và mang lại giá trị thực sự cho chính cộng đồng Cơ Tu” - già Nhấp chia sẻ.
Từ sự chung tay bảo vệ của cộng đồng, nhiều cánh rừng pơmu ở Tây Giang được bảo tồn. Ảnh: ALăng Ngước
Minh chứng là ở Tây Giang, hiện vẫn còn hàng nghìn héc ta rừng tự nhiên đang được bảo vệ và gìn giữ bởi cộng đồng làng vùng cao. Từ quần thể rừng lim, pơmu, cho đến đỗ quyên và một số cánh rừng nguyên sinh khác, trở thành niềm tự hào cho địa phương miền núi giáp biên với Lào.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm, cộng đồng người Cơ Tu ở Tây Giang còn ra sức bảo tồn nhiều cây đa cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm, được ghi nhận tại xã A Xan và Ga Ry.
“Đây được xem là chứng nhân rõ nét về tình đoàn kết giữa các làng người Cơ Tu xưa trong ý thức giữ rừng. Từ hương ước tộc họ và cộng đồng, nhiều cánh rừng được gìn giữ, mang ý nghĩa về tinh thần gắn kết, tạo ra các giá trị văn hóa, tâm linh phong phú” - ông Blúi nói.
Sống thuận hòa với thiên nhiên
Người Cơ Tu và nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác sinh sống trên dãy Trường Sơn đều gắn từng câu chuyện của làng với công tác quản lý, bảo vệ rừng nguyên sinh.
Từ nếp sống thuận hòa với thiên nhiên đã tạo ra các giá trị văn hóa truyền miệng đang tiếp tục được lưu truyền, trở thành “công cụ” sắc bén trong việc giữ rừng của cộng đồng vùng cao.
Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn cho hay, chính từ câu chuyện tâm linh rùng rợn về những “cánh rừng ma” đã giúp cộng đồng vùng cao bảo tồn được nhiều diện tích rừng già quý hiếm. Nhiều khu rừng tách biệt đang được gìn giữ, bây giờ trở thành quần thể nguyên sinh, giúp người dân tạo ra sinh kế dưới tán rừng già.
Ông Thọ nói, ở địa phương, cuộc sống người dân phần lớn dựa vào rừng. Rừng mang lại giá trị kinh tế và môi trường sống đầy thú vị. Như làng Ong (thôn 6, xã Phước Lộc), nhiều năm trước khi thiên tai ập đến, cộng đồng duy trì việc thu hoạch ong mật, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Rõ nét nhất trong câu chuyện lợi ích do rừng mang lại, phải kể đến tộc người Ca Dong, Xê Đăng ở chân núi Ngọc Linh (Nam Trà My). Sau thời gian chăm sóc và mở rộng diện tích trồng “cây thuốc giấu”, sản vật quý của vùng đã đem lại giá trị kinh tế lớn giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Già Hồ Văn Du, người từng biết đến với danh xưng “vua sâm” trong lần gặp tôi mới đây đã thốt lên, rằng có được cuộc sống hôm nay là đều nhờ sâm. Chính sâm Ngọc Linh đã giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Già Du nói, từ xa xưa, người Xê Đăng luôn quý trọng rừng, xem rừng là “người bạn đồng hành” trong cuộc sống sinh tồn và phát triển. “Yêu rừng nên phải giữ rừng. Phải luôn sống hòa thuận và không được ngược đãi với thiên nhiên. Vì nếu không có thiên nhiên, không có rừng thì làm sao có cộng đồng người Xê Đăng phát triển như bây giờ. Và yêu quý rừng nên càng phải giữ rừng. Đó là điều mà già hay nói với người dân, về rừng” - già Du tâm sự.
Vương Hoàng