Bạc Liêu: Phát triển du lịch từ những làng nghề truyền thống

Cập nhật: 02/08/2022
Hình thành từ tập quán sản xuất và trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, những làng nghề ở Bạc Liêu từng tạo được tiếng vang với các địa phương gần xa. Thế nhưng, nhiều làng nghề đã và đang đứng trước nguy cơ mai một vì không thể mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Do đó, phát triển du lịch (DL) được xác định là chiếc “phao” để cứu lấy những làng nghề, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghề truyền thống.

Làng nghề đan đát truyền thống ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) không còn nhiều gia đình giữ nghề.

Chuyển đổi mô hình sản xuất

Bạc Liêu nổi tiếng có những làng nghề được hình thành lâu đời, như các nghề đan đát (huyện Phước Long, huyện Hồng Dân), rèn, dệt chiếu (huyện Hồng Dân), làm muối (huyện Đông Hải), nghề làm tương (TP. Bạc Liêu)… Nếu ngày trước, những nghề này giúp người dân có cuộc sống no đủ thì giờ đây, số lượng làng nghề và người làm nghề ngày càng sụt giảm vì thu nhập bấp bênh, nhiều hộ không đủ sống nên phải bỏ nghề.

Đơn cử như nghề đan đát ở ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) là làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh công nhận năm 2009, thời điểm đó có hơn 500 hộ dân làm nghề nhưng hiện chỉ còn khoảng 50 hộ. Người còn giữ nghề đa phần lớn tuổi, trong khi đó thanh niên trong ấp thì rủ nhau lên các thành phố lớn để làm thuê. Vì vậy, nghề đan đát ở ấp Mỹ I có nguy cơ thất truyền trong tương lai.

Với phương thức sản xuất truyền thống, máy móc và kỹ thuật thô sơ như hiện tại thì người làm nghề truyền thống chỉ có thể... lượm bạc cắc. Điều này đặt ra yêu cầu muốn tồn tại thì làng nghề không còn cách nào khác phải chuyển đổi mô hình sản xuất, gắn với khai thác các giá trị độc đáo để phát triển DL.

Chị Trần Thị Hồng Xuyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã đan đát Trúc Xanh (ấp Mỹ I), chia sẻ: “Phát triển DL tham quan, trải nghiệm sản xuất làng nghề là hướng đi thiết thực trước thực trạng hiện nay. Theo đó, Hợp tác xã buộc phải chuyển đổi sản xuất những sản phẩm lớn sang các sản phẩm quà lưu niệm, đồ gia dụng nhỏ gọn, đẹp mắt. Tuy nhiên, muốn các xã viên làm ra sản phẩm để chờ có khách đến mua thì rất khó, bởi lâu nay họ đã quen với cách thức sản xuất mì ăn liền, làm ngày nào ăn ngày đó”.

Nghề làm tương của người Hoa trên địa bàn Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T

“Phao cứu sinh” cho làng nghề

Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định 801 phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Để thực hiện đạt mục tiêu phát triển hơn 300 làng nghề gắn với DL, Chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ như: xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về nghề, làng nghề Việt Nam; khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề…

Sở VHTTTTDL Bạc Liêu cũng có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng phát huy những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của vùng trong phát triển DL, với điểm nhấn là sản phẩm miệt đồng quê giúp du khách trải nghiệm các làng nghề truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản gắn với tham quan các di tích lịch sử.

Theo ông Trần Anh Khiêm - Trưởng phòng VHTT huyện Phước Long, muốn phát triển DL từ làng nghề truyền thống cần phải có sự hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm dừng chân, với các dịch vụ như: nhà nghỉ, điểm vui chơi, ăn uống tại làng nghề. Đặc biệt là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tua, tuyến DL đến các làng nghề.

Sớm triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra vào thực tiễn là việc cấp thiết để kịp thời tạo chiếc “phao cứu sinh” cho những làng nghề đang thoi thóp, cũng như góp phần đánh thức tiềm năng DL đang bị lãng quên của nghề truyền thống.

Hữu Thọ

Nguồn: Báo Bạc Liêu - baobaclieu.vn - Đăng ngày 01/08/2022