Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Cập nhật: 03/08/2022
(TITC) - Ngày 26/7/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Về mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược đặt ra yêu cầu giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu…

Về giảm phát thải khí nhà kính, Chiến lược yêu cầu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chiến lược đặt ra nhiệm vụ cần phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững như: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu là tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai…

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng yêu cầu hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với các mục tiêu Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước; định kỳ sơ kết 5 năm, 10 năm và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Chiến lược phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” theo từng giai đoạn cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch phát triển.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chiến lược định kỳ hằng năm, 5 năm, 10 năm và tổng kết thực hiện Chiến lược.

Trung tâm Thông tin du lịch