Để giữ vững nguồn sinh kế lâu dài, phát huy thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển kinh tế biển..., Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.
Người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Việt Hoa
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển với tổng diện tích mặt nước khoảng 4.258ha. Huyện hiện có 971 hộ sử dụng khoảng 2,7 triệu quả phao xốp để NTTS trên diện tích 1.900ha.
Thực hiện chủ trương thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường, HND huyện đang tích cực cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ NTTS chuyển đổi sử dụng phao xốp sang phao HDPE. Đồng thời, tiến hành rà soát, lập cam kết với các hộ nuôi trồng, hợp tác xã (HTX); phối hợp với ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vay vốn; hướng dẫn, kết nối các địa chỉ cung cấp vật liệu nổi đảm bảo quy chuẩn, chất lượng; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đề xuất chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn cho các hộ NTTS.
Nhờ đó đến nay, tiến độ chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi thân thiện môi trường trên địa bàn huyện đạt khoảng 60%; phấn đấu hoàn thành chuyển đổi 100% trong năm nay. Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc Hợp tác xã NTTS Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cho biết: HTX đã hoàn thành chuyển đổi toàn bộ hệ thống phao xốp sang phao HDPE cho 2ha nuôi thủy sản nhuyễn thể của HTX. Việc này không chỉ rất thân thiện với môi trường, vật liệu thời gian sử dụng lâu dài, mà còn mang lại hiệu quả trong nuôi trồng. thủy sản
Người dân huyện Cô Tô dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển.
HND huyện Cô Tô cũng đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên, nông dân bảo vệ môi trường biển bằng nhiều việc làm thiết thực, như: Dọn vệ sinh, làm sạch môi trường biển; hạn chế sử dụng túi nilon; phân loại rác thải nguồn; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản... Qua đó, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, du khách trong bảo vệ môi trường biển, góp phần phát triển du lịch và kinh tế biển bền vững hơn.
Bên cạnh đồng hành cùng hội viên, nông dân sản xuất, nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường biển, các cấp HND tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chung tay tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường Vịnh Hạ Long.
Từ đầu năm 2020, HND tỉnh xây dựng và triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long” trên địa bàn 4 phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu, Hà Phong thuộc TP Hạ Long. Mục tiêu Dự án hướng tới là nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong việc giảm rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường biển tại khu vực ven Vịnh Hạ Long.
HND tỉnh trao thùng đựng và phân loại rác thải cho các hộ dân phường Hà Phong, TP Hạ Long.
Đến nay, sau 2 năm triển khai, với nhiều hoạt động thiết thực, Dự án đã bước đầu hình thành được mô hình cộng đồng quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư khu vực ven Vịnh Hạ Long, tạo tiền đề để nhân rộng những việc làm thiết thực, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên thế giới.
Yến Vy