Ngày 10.8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng… Những vấn đề được ghi nhận qua đợt giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại Nghệ An mới đây cũng là tình trạng của nhiều địa phương trên cả nước, đòi hỏi sớm có giải pháp, để di tích không trở thành gánh nặng.
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại đình Hoành Sơn
Mặc dù địa phương quan tâm, công tác thu hút xã hội hóa tương đối hiệu quả, song với 2.602 di tích, danh thắng, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh, nhiều di tích tại Nghệ An vẫn đang xếp hàng chờ được trùng tu, tôn tạo.
Giữ di tích khỏi bị xuống cấp đã khó
Di tích quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn tọa lạc tại xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhìn ra dòng sông Lam thơ mộng. Đình được xây dựng vào khoảng năm 1763, thờ nhân vật chính là Uy minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, người có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Đây được đánh giá là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung và là một trong những ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đẹp nhất cả nước.
Khảo sát tại đình Hoành Sơn, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đều trầm trồ trước những mảng chạm trổ tinh xảo trên xà, cốn, ván nong, đầu dư, con rường, con đấu… Hoa văn được chạm khắc công phu, thể hiện cuộc sống, sinh hoạt và một số phong tục, tập quán của địa phương nói riêng, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII nói chung như cưỡi hạc, đánh cờ, đua thuyền, vinh quy bái tổ, tứ linh, tứ quý… Cùng đề tài nhưng nhiều cách thể hiện khác nhau, như bên tả chạm phượng đơn, bên hữu lại là phượng rậm, hoặc bên tả là long ẩn, bên hữu là long chầu nguyệt; trên các đầu dư là hình tượng long vân, còn trên bờ nóc, tàu mái lại là long chầu nguyệt…
Trải qua thăng trầm lịch sử (trước Cách mạng tháng Tám 1945 là nơi ở của thực dân Pháp, sau cách mạng là trụ sở làm việc của địa phương cho đến năm 1992, trước khi trở thành nơi sinh hoạt của người dân, nơi tổ chức hội hè), sự khắc nghiệt của thời tiết (xã Khánh Sơn được mệnh danh là “rốn lũ” của xứ Nghệ), đình Hoành Sơn bị xuống cấp. Mái hắt phía Đông Nam bị đổ, lá mái và sau nhà hậu cung cũng trong tình trạng sắp đổ, ngói mái trước bị sụt, hệ thống chống thấm không còn tác dụng. Các cấu kiện gỗ (vì, xà, bẩy...) bị ẩm mốc, mối mọt. Một số cột đình đã hư hỏng, bị tiêu tâm, không bảo đảm khả năng chịu lực…
Mặc dù nhận thức được giá trị cũng như tình trạng “có thể sập bất cứ lúc nào” của đình Hoành Sơn, song kinh phí hạn chế nên việc tu bổ chỉ đáp ứng được các hạng mục cấp thiết. “UBND huyện Nam Đàn đã cố gắng liên hệ để tìm kiếm nguồn vốn xã hội hóa, nhưng do phạm vi của huyện nhỏ, đến nay vẫn chưa có kết quả”, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Đình Hoành Sơn là 1 trong 3 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn huyện Nam Đàn, cùng với 13 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh, chưa kể 132 di tích đã được kiểm kê, phân bổ đều trên 19 xã, thị trấn. Trong số này, ngoài đình Hoành Sơn, còn nhiều di tích đang bị xuống cấp như: Đình Trung Cần, đền Giáp Cả, đền Câu… Với số lượng di tích lớn như vậy, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, như Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh nói, “chỉ riêng việc giữ di tích khỏi bị xuống cấp, sụp đổ đã khó”.
Có tiền đã khó, tiêu tiền càng khó hơn
Nghệ An được đánh giá là địa phương quan tâm, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích, kể cả các di tích chưa được du khách biết đến. Ngoài nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, của tỉnh, những năm qua, Nghệ An đã huy động các nguồn lực xã hội để tu bổ, tôn tạo và phục hồi hàng chục di tích. Nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu du lịch văn hóa - tâm linh của nhân dân và khách du lịch như: Dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu tưởng niệm Xô viết Nghệ Tĩnh, chùa Đại Tuệ, chùa Cần Linh, chùa Cổ Am, đền Hoàng Mười, đền Cờn, đền Quả, đền Cuông, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Chung Sơn…
Mặc dù Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành khẳng định, “chúng tôi khá yên tâm với việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện Nam Đàn cũng như tỉnh Nghệ An”, song nhu cầu thực tế còn rất lớn mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương thì không kham nổi. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh kiến nghị, đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, bảo vật quốc gia, Trung ương cần quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo; UBND cấp tỉnh đầu tư cho di tích cấp tỉnh… “Đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích theo từng cấp như thế thì việc xếp hạng mới có giá trị”.
Được biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Nghệ An đã bố trí 24 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo đình Hoành Sơn, dự kiến khởi công trong năm 2022 này. Nhấn mạnh “có tiền đã khó, tiêu tiền càng khó hơn”, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Trần Việt Anh đề nghị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để kịp thực hiện dự án trong nhiệm kỳ này. “Chúng ta thiếu kinh phí nhưng quá trình chuẩn bị hồ sơ để triển khai đầu tư thường hay chậm, do quy trình thủ tục phức tạp, làm khó đơn vị tư vấn và đầu tư, nên bị lỡ nhịp”...
Sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa vừa là niềm tự hào song cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều nguồn lực để bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên, như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu, nếu quản lý, khai thác tốt, các di tích, di sản sẽ đem lại nguồn thu lớn, thúc đẩy phát triển. Bởi “văn hóa không chỉ là văn hóa, di sản không chỉ là di sản, mà là tiềm năng, điểm đến du lịch”.
Bài và ảnh: Nhật Linh