Không để di sản thành gánh nặng - Bài cuối: Gắn kết văn hóa - du lịch

Cập nhật: 10/08/2022
Việc phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua du lịch đã được nói nhiều và từ lâu, song để đạt hiệu quả như mong muốn cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, đặc biệt là ngành văn hóa và ngành du lịch.

Chỉ di tích thì chưa đủ

Khảo sát qua một số điểm di tích tại Nghệ An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Trần Việt Anh “rất băn khoăn”. Bởi cùng là di tích quốc gia đặc biệt, song có di tích đón rất đông khách tham quan (như Khu di tích Kim Liên mỗi năm đón 1,6 - 2 triệu lượt khách, có ngày lên đến 500 đoàn với hàng chục nghìn lượt khách), nhưng có di tích thì khách đến mới mở cửa và cũng chưa được nhiều người ngoài địa phương biết (đình Hoành Sơn).

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành cho rằng, không phải di tích nào được công nhận, xếp hạng, đầu tư tu bổ cũng là phải đưa vào khai thác ra tiền, mà nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống, lưu lại cho thế hệ mai sau, nhất là với các di tích lịch sử, cách mạng. “Nhiều di tích chỉ cần lên kế hoạch bảo tồn để giữ được yếu tố gốc, phát huy giá trị, phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng trong chính cộng đồng đó, chứ không cần đóng góp trực tiếp vào việc phát triển kinh tế địa phương”. Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định, “không phải muốn đưa khách du lịch đến mà được, vì chỉ di tích không thì chưa đủ, còn phải có hạ tầng, hệ thống giao thông, dịch vụ đi theo, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, của tỉnh”.

Các tour du lịch đến Nam Đàn cho thấy, điểm đến của du khách hiện nay tập trung về thăm quê nội, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Hoàng Trù và làng Sen) và mộ bà Hoàng Thị Loan; các điểm di tích, danh thắng khác chưa thu hút được du khách, ngay cả đền thờ vua Mai Hắc Đế mới được trùng tu, tôn tạo. Lượng khách tham quan đông nhưng hầu như không có khách lưu lại qua đêm, nên chưa có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như đời sống, việc làm của người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn, một trong những lý do là việc khai thác giá trị của các di tích, danh thắng chưa quan tâm đến mảng dịch vụ, sản phẩm du lịch đơn điệu, manh mún. “Vì các điểm tham quan chính không bán vé nên dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm là phần quan trọng tạo nên giá trị gia tăng lớn cho ngành du lịch và người dân địa phương, song các dịch vụ này hiện chưa phát triển”.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Khu di tích Kim Liên

Kết nối, mở rộng không gian

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao đang tham mưu UBND tỉnh Nghệ An xây dựng đề án phát triển kinh tế di sản, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch trên cơ sở các di sản văn hóa. Theo dự thảo đề án, triển khai quy hoạch theo 7 vùng di sản đã được phê duyệt, bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xã hội, đưa ra chiến lược trọng tâm để thực hiện.


Việc UBND tỉnh Nghệ An quyết định bố trí 24 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo đình Hoành Sơn là tin vui với Di tích quốc gia đặc biệt này, song ông Trần Việt Anh cho rằng, số tiền đó chỉ đủ để trùng tu khuôn viên di tích khoảng 1.000m2. Nếu trùng tu xong, du khách đổ đến, di tích có khả năng đáp ứng không? Đặt câu hỏi như vậy, ông Trần Việt Anh đề nghị cần nghiên cứu không gian phụ cận xung quanh (vùng 2 di tích), vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, vừa để đón tiếp khách và giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích và các sản phẩm OCOP của người dân địa phương.

Theo ông Trần Việt Anh, Nghệ An cũng cần tính toán các phương án “kéo khách” từ Khu di tích Kim Liên lan tỏa đến các vùng xung quanh. “Chỉ cần 10% trong số 2 triệu lượt khách đến Khu di tích Kim Liên hiện nay là đủ đem lại sức sống cho các di tích khác trên địa bàn”. Xa hơn, ông Trần Đình Thành gợi ý, nên nghiên cứu đưa vào quy hoạch của tỉnh Nghệ An tuyến du lịch Vinh - Nam Đàn - Cửa Lò (theo tuyến sông Lam) với rất nhiều điểm đến thú vị, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy đã được xác định là khu vực trọng điểm của du lịch Nghệ An nhưng hiệu quả tuyến du lịch này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

“Văn hóa, di sản văn hóa là tiềm năng, tài nguyên để phát triển du lịch. Nếu coi như vậy, văn hóa không phải là gánh nặng cho ngân sách. Tài nguyên du lịch của Nghệ An rất phong phú và đậm đặc, nên gắn kết chặt chẽ văn hóa với du lịch, hình thành chuỗi để phát huy thế mạnh này”, ông Trần Việt Anh nói, đồng thời nhấn mạnh: “Làm du lịch không thể đứng một mình, phải quan tâm đồng bộ, kết nối thành chuỗi, xác định mình ở vị trí nào trong chuỗi ấy và có sản phẩm để kết nối”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cũng khẳng định, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự kết nối sẽ mang lại hiệu quả. “Nghệ An không thể đứng một mình mà phải gắn kết với các địa phương khác (quy hoạch vùng), văn hóa, du lịch không thể đứng một mình mà phải gắn kết với nhau và gắn kết với các ngành khác (quy hoạch ngành)”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý, phát triển văn hóa để phát triển kinh tế, song khi phát triển kinh tế dựa vào tiềm lực văn hóa không làm thay đổi giá trị văn hóa, ảnh hưởng đến văn hóa. Bởi chỉ cần chống chếnh một chút trong quản lý có thể sẽ phát triển kinh tế nhưng làm mất gốc văn hóa và không thể lấy lại được. “Dù làm gì thì văn hóa cũng là gốc”.

Bài và ảnh: Nhật Linh

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân - daibieunhandan.vn - Đăng ngày 10/08/2022