Phát triển lâm nghiệp bền vững với tỉ lệ phủ xanh rừng tăng cao, song hành cùng lợi ích KT-XH là một trong những nhiệm vụ chiến lược đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện trên hành trình đi tới tăng trưởng xanh, bền vững.
Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 435.932ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.144ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với Quảng Ninh, rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, là vành đai xanh bảo vệ biên giới.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; mở hướng đi mới trong bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đưa lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững.
Đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần phòng, chống thiên tai
Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, giảm thiểu những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu và thiên tai do nước gây ra. Duy trì, bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phù hợp cho từng lưu vực sông, vùng, khu vực.
Những cánh rừng xanh bát ngát trên cung đường lên xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long).
Trước khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU, toàn tỉnh có 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng. Năm 2020, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long; năm 2021 phê duyệt nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu. Hiện đang lập đề án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên là Khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); bảo vệ chặt chẽ rừng trâm đỏ, rừng chõi nguyên sinh (huyện Cô Tô), rừng trâm (huyện Vân Đồn). Diện tích quy hoạch cho rừng đặc dụng cũng được nâng lên trên 47.000ha, tăng 22.000ha so với trước khi ban hành Nghị quyết.
Các địa phương có rừng phòng hộ và các hồ chứa nước trọng điểm như Vân Đồn, Tiên Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Đông Triều… đều chú trọng phát triển trồng mới, trồng bổ sung rừng phòng hộ, nhằm phát huy vai trò phòng hộ đầu nguồn các dòng sông lớn. Trong đó, ưu tiên cho những khu vực có độ dốc cao ở các lưu vực sông nơi có nhiều hồ chứa quan trọng, nhằm phát huy vai trò điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, xói mòn, bảo vệ đất, ngăn sự bồi lấp lòng sông, lòng hồ; phòng hộ ven biển cho các công trình thủy lợi. Diện tích trồng thông hoặc một số cây bản địa tại những địa phương này ngày càng nâng cao.
Quảng Ninh có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng.
Hiện nay, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị có liên quan đến rừng. Trồng rừng luôn được song hành với thiết lập và quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong phạm vi hành lang bảo vệ đối với các nguồn nước mới, ưu tiên cho các hồ chứa lớn. Từ chỗ chỉ có 1 phương án quản lý rừng bền vững, đến nay đã có 12/17 đơn vị thuộc diện UBND tỉnh phê duyệt đã hoàn thành xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, với tổng diện tích 97.024ha.
Bên cạnh đó, các địa phương có diện tích đất ngập nước tự nhiên như Hạ Long, Tiên Yên, Quảng Yên... đều xác định giá trị văn hóa, KT-XH và sinh thái cao của những khu vực này. Các vùng đất ngập nước tự nhiên không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, dược phẩm cho con người, mà còn là những vùng sản xuất quan trọng về thủy sản, nông nghiệp, là những điểm thu hút du lịch, là nơi chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học và là điểm di trú của loài chim nước, loài thủy sinh quý, hiếm.
Đặc biệt, đất ngập nước tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất ven biển; giúp duy trì chất lượng nước ở các sông hồ, lưu giữ nước, nạp nước dưới đất, lưu trữ carbon, điều hòa khí hậu và kiểm soát dịch hại.
Hiện các địa phương đang tăng cường củng cố, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước tự nhiên, đây là một trong những nội dung và giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước. Chú trọng thực hiện nâng cấp, khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của biển, đồng thời có thể chắn sóng, lấn biển, hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ các công trình thủy lợi ven biển.
Từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân
Tận dụng lợi thế địa hình, các địa phương, nhất là khu vực miền Đông của tỉnh tích cực vận động bà con nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đổi mới cây giống, chăm sóc rừng, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh. Người dân đã chủ động đầu tư cây giống, phân bón, nhân công, để chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi trồng quế thay cho cây keo, đem lại lợi ích kinh tế tốt hơn.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Thực tế cho thấy, trên cùng một diện tích, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5-3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Năm 2020 và 2021, toàn tỉnh đã trồng được 24.416ha rừng, tập trung phần lớn vào các cây gỗ lớn và cây bản địa nhằm từng bước nâng cao chất lượng rừng toàn tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phấn đấu trồng mới 2.500ha rừng gỗ lớn, cây bản địa các loài lim, giổi, lát trên địa bàn Quảng Ninh năm 2022, đến ngày 25/7, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.600ha, bao gồm 391,5ha lim, 853,5ha giổi, 398,9ha lát và diện tích hỗn hợp cả 3 loại cây là 8,8ha. Các địa phương đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan và người dân vào từng kế hoạch trồng rừng cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn, các hội viên, nông dân sẽ được hỗ trợ cây giống một lần theo nhu cầu và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế mô hình trồng rừng gỗ lớn hiệu quả tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát sơ bộ tại các cơ sở hội, nhiều hộ hội viên, nông dân đồng thuận, nhất trí cao và ủng hộ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa.
Người dân dựa vào rừng để phát triển du lịch.
Các địa phương đã ưu tiên phát triển những vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có vùng trồng thông nhựa với diện tích hơn 18.000ha, tập trung tại Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Ba Chẽ, Móng Cái; vùng trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, như: Ba kích, hồi, sở, quế và các cây dược liệu khác với diện tích hơn 9.500ha, tập trung tại Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà… Riêng sản lượng nhựa thông khai thác mỗi năm trên địa bàn tỉnh lên tới 2.400 tấn.
Đối với khai thác gỗ rừng trồng, trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác 18.900ha rừng trồng với sản lượng 1.146.040m3, tăng gần 30% so với giai đoạn 2018-2019. Các lâm sản khác ngoài gỗ cũng tăng đáng kể, sản lượng khai thác nhựa thông đạt 4.429,2 tấn, hoa hồi đạt 1.058 tấn, vỏ quế đạt 4.074,3 tấn, hạt sở đạt 321,7 tấn; ngoài ra đã hình thành vùng sản xuất dược liệu với sản lượng khai thác ba kích 1,5 tấn, trà hoa vàng 25 tấn hoa tươi hằng năm.
Năng suất rừng trồng, sản lượng khai thác gỗ bình quân đạt trên 60m3/ha tăng gần 10 m3/ha so với giai đoạn 2018-2019. Có thể thấy, giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích có dấu hiệu tăng, năng suất rừng trồng dần được cải thiện.
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, khai thác bền vững, nhiều mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp đã và đang được triển khai nhằm tăng giá trị kinh tế. Hiện toàn tỉnh có 336 cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ mới, hiện đại, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, hạn chế các sản phẩm thô, băm dăm, ván bóc và sản phẩm chế biến sơ. Một số doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ thành viên nén năng lượng, điển hình là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả, Công ty TNHH Thanh Lâm. Thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản của Quảng Ninh được mở rộng sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nga, EU.
Những thôn, bản với những ngôi nhà khang trang nằm giữa màu xanh cây rừng.
Giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm; sản lượng nhựa thông từ 2.500 tấn lên 3.000 tấn/năm; sản lượng các lâm sản ngoài gỗ và dược liệu từ 3.500 tấn lên 4.000 tấn/năm. Phát triển để thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.
Đến năm 2025 có 5.000ha rừng lim, giổi trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45%; có 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; khoảng 60.000-70.000 người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Duy trì và mở rộng các khu bảo tồn hiện có, xem xét nâng cấp các khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn hiện tại, thành lập thêm 2 khu bảo tồn loài - sinh cảnh.
Từng bước nỗ lực vì mục tiêu tăng thêm diện tích những cánh rừng xanh và tạo sinh kế ổn định từ rừng cho người dân là định hướng đúng đắn mà Quảng Ninh đang cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để kiên trì thực hiện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh - tạo sự hài hòa giữa phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường bền vững cho hiện tại, cũng như tương lai.
Hùng Sơn - Phương Loan