Thừa Thiên Huế: Để trào lưu sống xanh bền vững

Cập nhật: 09/08/2022
Thời gian qua, có không ít người, đơn vị thực hành lối sống xanh, tiêu dùng xanh; tẩy chay bao, bì ni lông; loại bỏ nhựa dùng một lần... Tuy nhiên, sức sống và sự bền vững của những trào lưu ấy đến nay vẫn chưa bền vững.

Nhiều gia đình ở TP. Huế đang thực hành lối sống xanh, giảm thải rác thải nhựa ra môi trường

Chị Hà Thị Chân Như, (P. Đông Ba, TP. Huế) cho hay, sống xanh là trách nhiệm với môi trường. Tuy vậy, chị vẫn chưa thường xuyên làm được vì vốn thời gian ít ỏi trong ngày để tìm nguồn sản phẩm xanh từ bao bì đến chất lượng; hoặc mỗi lần đi chợ phải mang hộp đựng đồ tươi sống khá lỉnh kỉnh, rất bất tiện. Hầu hết những người ra chợ mua hàng rau, củ, quả, thịt cá hiện nay đều đựng vào túi ni lông, thậm chí có những thứ đồ phải đựng 2-3 túi.

Anh Lê Anh Tài, công tác tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế chia sẻ, các bạn sinh viên hiện nay dù dễ tiếp nhận lối sống xanh, nhưng cũng gặp khó. Muốn giảm nhựa, hộp xốp phải tự nấu ăn, ra quán… nhưng đa số vẫn chọn đặt đồ ăn qua app vừa rẻ, vừa đa dạng, đỡ công dọn dẹp. Hơn nữa, những sản phẩm thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng “thân thiện” với khả năng tài chính của các bạn.

Qua câu chuyện của chị Như và bạn Tài, tôi nghiệm ra rằng, thực hành lối sống xanh nói trên xuất phát từ ý thức trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống hằng ngày, trong đời sống tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ theo đà tăng của nền kinh tế.

"Sống xanh" là tư duy đúng đắn, bởi chỉ khi người tiêu dùng đòi hỏi và có thái độ rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ môi trường thì những người sản xuất, kinh doanh mới có ý thức chuyển động theo, bằng cách hạn chế rác thải nhựa, sử dụng nguyên vật liệu dễ phân hủy trong quá trình kinh doanh, sản xuất.

Đáng buồn là, "trào lưu" sống xanh thì nhiều, nhưng vẫn chỉ nằm trong quy mô hẹp, với một bộ phận những người tiêu dùng có tư duy phần nào “tân tiến”, chưa thể lan truyền rộng rãi, chưa thể trở thành nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cần những gì để “nuôi sống” những trào lưu trên và biến chúng trở thành thói quen hàng ngày, không đơn giản chỉ dừng ở mong muốn của một vài nhóm người, mà đòi hỏi những giải pháp sâu sắc, căn cơ - phải giải quyết được câu chuyện cạnh tranh, chi phí và ý thức.

Thực tế, để các hàng quán, chợ, siêu thị... chuyển từ sử dụng bao bì nilông sang các loại túi, hộp đựng thân thiện với môi trường lâu dài, điều đầu tiên là phải có nguồn cung ứng các loại vật dụng đó lâu dài, ổn định với giá rẻ hoặc ít nhất là bằng với giá họ mua túi nilông và vật dụng nhựa thân thiện với môi trường. Ví dụ khi mua một hộp đựng “sinh thái” thân thiện môi trường mà đắt hơn hộp nhựa khiến chi phí, giá cả đội lên thì khó có người nào, đơn vị nào đeo đuổi lâu được, dù họ vẫn muốn tham gia bảo vệ môi trường.

Các nhà đầu tư sản xuất cần tính đến các giải pháp, vật liệu thay thế đáp ứng được những tiêu chí, như rẻ, tiện lợi, dễ mua, dễ bảo quản... thì mới có thể khuyến khích được sự thay đổi lâu dài trên diện rộng. Những trào lưu sống xanh giảm rác thải nhựa, hạn chế dùng túi ni lông, gói rau bằng lá chuối... cũng được dấy lên một thời gian ở Huế giờ dường như đã lắng xuống.

Để "nuôi" lối sống xanh một cách bền vững trước hết làm sao phải giúp thay đổi tư duy từ gốc; trong đó Nhà nước cần tính toán, hỗ trợ bằng nhiều cách về cơ chế chính sách, chiến lược, tuyên truyền, vận động...

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 05/08/2022