Phát biểu tại Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ngãi cùng các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh và phát triển bền vững. Đây là một trong những định hướng phát triển du lịch lấy phát triển xanh và bền vững làm trụ cột.
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã chú trọng hướng đến phát triển du lịch xanh với các điểm đến đã và đang thu hút nhiều du khách muốn tìm về nơi bình yên, thôn dã, gần gũi thiên nhiên như đảo Lý Sơn, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), bàu Cá Cái (Bình Sơn), thác Trắng (Minh Long), Hiland Suối Chí (Nghĩa Hành)... Du khách còn được đắm mình trong không gian sinh hoạt văn hóa, du lịch cộng đồng tại đảo Bé (Lý Sơn), làng Bình Thành (Nghĩa Hành); làng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), trải nghiệm văn hóa Hrê tại huyện Ba Tơ; du lịch nông nghiệp, nông thôn... Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay. Hay tận hưởng không gian xanh tại Cocoland River Beach Resort & Spa...
Học sinh trải nghiệm du lịch miệt vườn tại Làng du lịch Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: Trí Phong
Để phát triển du lịch bền vững, huyện Lý Sơn đang quan tâm giải quyết “bài toán” về môi trường, tạo ra loại hình du lịch xanh, thân thiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, để xây dựng Lý Sơn "xanh - sạch - đẹp" trong mắt du khách, huyện đã triển khai hàng loạt các biện pháp như vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh; mở rộng và tăng công suất thu gom, xử lý rác thải; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nhà, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần...
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống như xả khói, rác thải, tàn phá động thực vật... Du lịch xanh khuyến khích du khách chung tay khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gìn giữ di sản thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: "Phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Trường lũy Quảng Ngãi, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể”. Cùng với đó, hạ tầng ven biển của tỉnh và đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1; cầu Cổ Lũy; hạ tầng khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Mỹ Khê; một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài nhà nước đã và đang hoàn thành như Cocoland River Beach Resort & Spa tiêu chuẩn 4 sao, Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã... Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1,8 triệu lượt khách (riêng khách quốc tế đạt 145 nghìn lượt); tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 6,5%/năm, khách nội địa đạt 8,5%/năm.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 có 2 khu du lịch quốc gia (khu du lịch Mỹ Khê, khu du lịch Lý Sơn), 4 khu du lịch cấp tỉnh (khu du lịch Sa Huỳnh; hồ Núi Ngang, khu du lịch sinh thái Thạch Bích, khu du lịch Bình Châu) và 6 điểm du lịch cấp tỉnh (điểm du lịch sinh thái Suối Chí, điểm du lịch thảo nguyên Bùi Hui, điểm du lịch trải nghiệm văn hóa Hrê (Ba Tơ), điểm du lịch miệt vườn trái cây Bình Thành (xã Hành Nhân, Nghĩa Hành)... Bên cạnh đó, hướng đến phát triển du lịch xanh, tỉnh ưu tiên phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Trong đó, lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.
Trí Phong