Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, văn minh, cùng với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh tại mỗi điểm đến.
Đông đảo du khách tham quan cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích
Lực hấp dẫn thu hút du khách
Phong Điền có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như làng cổ Phước Tích, suối Hầm Heo, thác A Đon, Hồ Quao, khu du lịch Thanh Tân…
Ai từng đến với làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa) một lần, hẳn không thể nào quên được khung cảnh bình yên, thơ mộng và sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân. Điểm du lịch làng cổ Phước Tích có các tài nguyên du lịch, như: hệ thống nhà thờ họ tộc; hệ thống các nhà rường truyền thống, hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế... Đi vào trong làng là những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, cây hoàng lan hơn 100 tuổi. Ở đây còn có nghề gốm truyền thống nổi tiếng từ hơn 500 năm, với kỹ thuật nung bằng rơm độc đáo.
Môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, là cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch tại những điểm đến du lịch cộng đồng. Các yếu tố của môi trường văn hóa như cảnh quan, di tích lịch sử, phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, các hoạt động văn hóa trong cộng đồng đều có thể khai thác phục vụ khách du lịch. Môi trường văn hóa lành mạnh, hấp dẫn tại cộng đồng chính là lực hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, thông tin: “Hiện nay, du lịch Phước Tích có 9 loại hình dịch vụ du lịch, với hơn 40 người tham gia hoạt động gồm: dịch vụ tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, hướng dẫn viên, quảng diễn nghề gốm, làm bánh… Hệ thống nhà rường cổ có 11 hộ tham gia tiếp đón khách tham quan; 4 hộ kinh doanh lưu trú; 4 điểm phục vụ dịch vụ ẩm thực. Hình ảnh du lịch Phước Tích đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Phước Tích trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá làng cổ”.
Gắn với bảo tồn giá trị văn hóa
Cùng với làng cổ Phước Tích, tất cả các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Phong Điền có một điểm chung, đó là chú trọng xây dựng môi trường văn hóa.
Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Phong Điền đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, để xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi điểm đến gắn với phát triển du lịch, huyện Phong Điền đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để quản lý xây dựng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan điểm đến.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, huyện Phong Điền còn chú trọng lồng ghép vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới… tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Bản sắc và các giá trị, di sản văn hóa là một trong những yếu tố chính tạo nên môi trường văn hóa của cộng đồng, tạo ra sự khác biệt về môi trường văn hóa tại điểm đến, là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch”.
Cùng với môi trường sinh thái và môi trường xã hội, hiện nay môi trường văn hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Nếu môi trường sinh thái có vai trò thiết yếu đảm bảo sự tồn tại sinh học của con người, thì môi trường văn hóa là nơi diễn ra quá trình “nhập thân văn hóa” của mỗi cá nhân, có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, đạo đức, lối sống của họ.
Bài, ảnh: Tiến Dũng