Ở vùng Miệt Thứ thuộc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang có chiếc cổng Tam Quan làm từ cây xanh giống y chang nguyên bản ở TP. Rạch Giá. Chiếc cổng độc đáo này được rất nhiều khách đi đường thích thú dừng lại chụp ảnh. Song, ít ai biết rằng nó được tác tạo từ đôi bàn tay khéo léo của một người đàn ông câm, điếc bẩm sinh.
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi xuôi dòng kênh xáng Xẻo Rô về vùng Miệt Thứ để mục sở thị chiếc cổng Tam Quan bằng cây xanh, “kiểm chứng” lời đồn giống y chang chiếc cổng nguyên tác. Hai bên đường nông thôn trải nhựa thẳng tắp, nhiều loài hoa khoe sắc rất đẹp. Nhiều ngôi nhà bằng bê tông cũng mọc lên san sát nhau. Vùng đất gian khó năm nào đã đổi thay rõ nét.
Băng qua hàng chục cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đến ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) - nơi có chiếc cổng Tam Quan độc đáo. Đang loay hoay hỏi thăm nhà ông Hoàng thì từ xa cổng Tam Quan cũng dần lộ trước mắt. “Trăm nghe không bằng một thấy”, quả thật, chiếc cổng trông giống hệt nguyên bản đang hiện hữu ở TP. Rạch Giá. Thứ duy nhất khác nhau là chất liệu tạo nên và màu sắc.
Cổng có chiều ngang hơn 5m, cao khoảng 4m, được chia làm 3 ô cửa. Phía trên mỗi ô cửa, chủ nhân cắt tỉa thành 2 tầng mái khá sắc sảo. Đặc biệt, trên mái ô cửa chính còn được chủ nhân cắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió rất ý nghĩa và trang trọng.
Chiếc cổng Tam Quan bằng cây xanh của ông Nguyễn Văn Hoàng ở huyện An Minh (Kiên Giang) được cho là y chang nguyên bản chiếc cổng Tam Quan ở TP. Rạch Giá
Sau một hồi “check in”, chúng tôi vào nhà diện kiến chủ nhân tài hoa đã tác tạo nên công trình xanh rất đẹp này. Mất gần 10 phút vật lộn với mớ ngôn ngữ hết ra dấu tay rồi chỉ trỏ tứ bề mà chẳng ăn thua. Lúc này tôi chợt nhớ lời anh bạn là nghệ nhân tranh vỏ tràm Lê Hoàng Nhân dặn, cạnh nhà ông Hoàng có người “phiên dịch đặc biệt”.
Người phiên dịch đặc biệt của ông Hoàng là Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp 11A (xã Đông Hưng B) - Huỳnh Thị Bé. Bà Bé là người có thể hiểu và giao tiếp tốt nhất với ông Hoàng.
Câu chuyện dần trở nên trôi chảy khi người “phiên dịch” xuất hiện. Theo lời bà Bé, ông Hoàng bị câm, điếc bẩm sinh, hiện sống một mình trong căn nhà được Nhà nước hỗ trợ. Biết chúng tôi đến từ TP. Rạch Giá, ông Hoàng nắm tay kéo vội ra chiếc cổng Tam Quan trước nhà để giới thiệu. Qua lời bà Bé, đại ý ông Hoàng nói để làm nên chiếc cổng như hôm nay, ông mất 7 năm từ trồng cây, bứng ra, kết nối nhiều gốc cây lại với nhau, sau đó cắt tỉa, tạo hình.
“Ông Hoàng biết ở TP. Rạch Giá có chiếc cổng Tam Quan rất đẹp và cũng là biểu tượng của tỉnh Kiên Giang nên ông quyết định đem hình ảnh chiếc cổng về vùng Miệt thứ. Ngụ ý là quê hương Kiên Giang luôn trong trái tim của ông”, bà Bé nói.
“Ngày lễ, tết, ấp không cần vận động nhưng chú Hoàng tích cực treo Quốc kỳ. Chú cũng rất ý thức và gương mẫu giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường. Chiếc cổng Tam Quan do chú Hoàng tạo ra từ cây xanh được huyện An Minh công nhận mô hình khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Huỳnh Thị Bé cho biết. |
Theo bà Huỳnh Thị Bé, biết ông Hoàng khéo tay nên khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đến vận động ông làm mô hình "gì đó" bằng cây xanh để hưởng ứng. Ông Hoàng đã lên ý tưởng và bắt tay vào làm cổng Tam Quan hiện tại. Cứ đều đặn khoảng chục ngày, ông Hoàng lại tỉa cành cây cho chiếc cổng một lần, mỗi lần tận mấy ngày mới xong.
Ngoài chiếc cổng Tam Quan này, ông Hoàng còn rất giỏi việc lai tạo, ghép các loại cây kiểng, nhất là mai vàng. Ông đã ghép thành công nhiều loại mai như tứ quý với mai cánh to, mai nhiều cánh… Nhiều cây mai của ông được dân chơi mai tìm đến mua, nhưng ông lắc đầu không bán. Ông Hoàng lý giải, do không có nhu cầu xài nhiều tiền, bởi vậy ông thường ra giá rất cao để người mua nản chí mà bỏ cuộc.
Ông Hoàng còn chăm chút trồng hai hàng bông trang đỏ hai bên đường. Ông còn dự định sẽ làm cặp rồng tranh châu, góp phần tô thắm cho bức tranh quê ở xã Đông Hưng B ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp…
Ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ ý tưởng làm cặp rồng tranh châu từ hai hàng bông trang trước nhà.
Buổi trưa không khí khá oi bức, ông Hoàng vẫn đứng đấy nắn nót, tỉ mỉ dùng kéo cắt tỉa từng chi tiết nhỏ để chiếc cổng được đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Chúng tôi lặng nhìn hình ảnh người đàn ông gầy gò, đôi tay chai sạn đi từng đường kéo thanh thoát, dứt khoát mà thán phục. Một hình ảnh đẹp có phần đối lập giữa chiếc cổng Tam Quan lộng lẫy và người đàn ông khuyết tật bẩm sinh nhỏ bé.
Chiếc cổng Tam Quan được tạo nên từ bàn tay tài hoa của ông Nguyễn Văn Hoàng đã góp phần tạo điểm nhấn cho con đường quê ở vùng nông thôn huyện An Minh thêm ấn tượng. Nó còn góp phần lưu giữ, quảng bá giá trị văn hóa mang tính biểu tượng của đất và người xứ biển Kiên Giang.
“Một nghệ nhân bình thường muốn tạo nên tác phẩm luôn trải qua nhiều công đoạn từ lên ý tưởng, ra bản thiết kế, chọn vật liệu phù hợp rồi mới bắt tay vào sáng tạo, rất vất vả, kỳ công mới ta tác phẩm mong muốn. Vậy mà, với người khuyết tật như chú Hoàng lại làm ra được chiếc cổng Tam Quan bằng cây xanh như nguyên bản và chăm sóc nó tốt tươi trên vùng đất phèn mặn như ở huyện An Minh càng khó hơn gấp nhiều lần. Bởi vậy, ngoài đôi tay tài hoa, tôi còn khâm phục chú ở nghị lực vượt qua số phận để theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật của mình”, anh Lê Hoàng Nhân - nghệ nhân tranh vỏ tràm ngụ xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ. |
Trung Hiếu thực hiện