Nếu có chuyến ra đảo Hòn Cau (còn gọi Cù Lao Câu, thuộc địa bàn huyện Tuy Phong) vào thời điểm này, chắc chắn du khách sẽ “ngỡ ngàng” không chỉ bởi nét đặc thù, độc đáo về cảnh quan môi trường tự nhiên và sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái biển mà còn được đáp ứng dịch vụ chu đáo ở một nơi còn hoang sơ…
Chuyến đi của chúng tôi vừa thực hiện vào giữa tháng 8/2022 và có mặt tại Cù Lao Câu chỉ sau khoảng 20 phút được di chuyển từ đất liền ra đảo bằng tàu du lịch Hoàng Phúc. Không như trước kia chỉ ngủ lều, bây giờ nơi đây đã có dịch vụ lưu trú phòng lạnh (chạy bằng máy phát điện) nên có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng tiện nghi cho du khách. Hơn nữa, nếu cần một hướng dẫn viên “thổ địa” để tìm hiểu và khám phá trọn vẹn đảo Cù Lao Câu thì đơn vị kinh doanh du lịch cũng sẵn sàng đáp ứng.
Chèo SUP giữa làn nước xanh trong ở Cù Lao Câu.
Trước biển trời bao la và cảnh quan vô cùng độc đáo của Cù Lao Câu, ai nấy đều muốn hòa mình vào thiên nhiên như thể không để lãng phí chút thời gian nào ngay khi vừa đặt chân đến đảo. Và tôi cũng thế, sẵn sàng lao ra giữa làn nước xanh trong vắt thấy tận đáy cát trắng mịn, vui đùa cùng chiếc SUP rực rỡ sắc màu, rồi thư thả nhìn ngắm hàng vạn khối đá đủ hình thù lạ mắt mà ngỡ lạc vào xứ sở thần tiên trong phim ảnh…
Đến với "Nhà hộ sinh Rùa biển" để được nghe những câu chuyện hấp dẫn.
Trên đảo còn nhiều điều để khám phá, vì vậy tất cả đều tranh thủ thăm một nơi với tên gọi và quy định khiến mọi người tò mò: Bãi rùa đẻ, cấm xâm phạm trong thời gian từ 2 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại đây, chúng tôi được anh Trần Hải Đăng - Trưởng phòng Bảo tồn phát triển (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau) kể về mùa rùa xanh kéo lên bờ sinh sản cũng như quá trình ấp trứng, đưa rùa con về với biển cả… Những câu chuyện về “Nhà hộ sinh rùa biển” cứ cuốn hút mọi người, kèm theo đó là thông điệp kêu gọi chung tay bảo tồn đa dạng sinh học của đại dương và bảo vệ môi trường biển đảo.
Vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút của Cù lao Câu.
Đồng hành cùng chuyến đi với chúng tôi còn có anh Lê Thanh Đông - nhân viên của một công ty du lịch tại địa phương, được xem là hướng dẫn viên “thổ địa” ở Cù Lao Câu. Nhờ anh mà không ít người lần đầu tiên biết đến trái cam đường, với tay hái và thưởng thức trái nhãn rừng mọc hoang giữa đồi cát, trải nghiệm lặn ngắm san hô, tự tay thử bắt con nhum biển. Hay như dậy sớm đón bình minh ở vị trí lý tưởng nhất, cùng tham quan hang Yến, bãi Tiên ở những góc nhìn đẹp bao quát và thỏa sức soi đèn bắt còng biển khi đêm xuống…
Với Cù Lao Câu, ngành du lịch Bình Thuận và các đơn vị lữ hành cũng đang xúc tiến khảo sát, định hướng đầu tư phát triển thêm nhiều loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp có sự tham gia của cộng đồng. Cùng với đó sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường biển đảo thông qua tổ chức tour du lịch kết hợp trồng cây xanh, thu gom xử lý rác thải… Từ đó góp phần đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn biển, tạo nên sản phẩm đặc sắc, chất lượng để đáp ứng xu hướng hiện nay là du lịch xanh, tìm về với thiên nhiên.
Quốc Tín