Gần đây, ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh với đa dạng hóa các loại hình du lịch.
Sinh vật cảnh (SVC) cũng được đưa vào làm sản phẩm du lịch. Như tại Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), từ nhiều năm nay, được chọn làm điểm Hội thi - trưng bày SVC khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng vậy, đại diện cho khu vực Tây Nguyên, để nghệ nhân và nhà vườn ở các địa phương khác đem sản phẩm/tác phẩm đến thi thố. Sau đại dịch Covid-19 phải tạm ngưng, vừa rồi, Sa Đéc và Đà Lạt đều mở hội thi và trưng bày SVC, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm, làm cho du lịch địa phương thêm phần khởi sắc. Hội SVC Long An đều cử đại diện tham gia tại 2 sự kiện này và đều đoạt các giải thưởng của hội thi.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Sinh vật cảnh Long An
Cũng như thi ca từ cổ điển, tân cổ điển tới Thơ mới, cây kiểng cổ mà cố nhà văn Sơn Nam (vốn chơi kiểng có hạng) cho rằng nó gò bó như thơ Đường luật, nào “tam cang ngũ thường”, “tam tùng tứ đức”,... Cây kiểng bonsai hiện đại vừa phóng khoáng, vừa hội đủ cái kỳ mỹ qua tư duy sáng tạo của người chơi. Nhà giàu thì đưa kiểng lớn (cổ thụ) vào sân biệt phủ cho xứng tầm. Nhà thường thường bậc trung thì chơi kiểng vừa, không chiếm nhiều diện tích sân nhà. Còn nhà nghèo thì “có chi dùng nấy”, đến chốn hoang sơ tìm nguyên liệu mang về chế tác theo ý mình. Quan trọng là có cây kiểng làm bạn di dưỡng tinh thần. Tuy nhiên, tạo được cây kiểng bonsai mini “kỳ - cổ - quái” một cách độc, lạ không phải dễ vì thu tóm cả cổ thụ hoành tráng vào một chậu bé xíu. Có khi đang làm vườn, làm ruộng, gặp gốc hoặc rễ cây xù xì, lạ lẫm, lượm về ươm trồng, nếu còn tươi; khô thì gọt giũa làm kiểng khô, gỗ lũa trang trí phòng khách.
Các làng hoa nổi tiếng ở TP.HCM, Đà Lạt hay Sa Đéc..., từ lâu đã là những địa chỉ của các tour du lịch nội địa. Ở những nơi có cây cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam như cây Đa bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đi liền tour với du lịch văn hóa tâm linh chùa Linh Ứng (“cụ” đa này có hình thù giống “cụ” Trôm mõ ở chùa Diêu Quang (TP.Tân An)). Dân bán đảo Sơn Trà khéo “thổi linh thiêng thần bí” vào cây Đa ấy để thu hút du khách. Cây Thị làng Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), cây Rõi làng Thạch Tân (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), cây Sưa làng Thuận An (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hay cây Me di tích “Tây Sơn tam kiệt” ở tỉnh Bình Định đều là sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh.
Long An còn có 10 cây Me cổ thụ ở chùa Rạch Núi (huyện Cần Giuộc); cây Trôm mõ và cụm Sao cổ thụ ở chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng), qua Hội SVC Long An, đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bình xét, cấp bằng công nhận Cây di sản Việt Nam từ mấy năm nay, nhưng chưa có “dấu ấn” trong du lịch của tỉnh? Hy vọng rồi đây, khi huyện Vĩnh Hưng hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh thì Cây di sản Việt Nam và cổ thụ ở chùa Nổi sẽ “ra trò” hơn!
Tại TP.Tân An, ngay khi còn là thị xã, khu vườn Thanh Tâm (phường 4) từng là điểm gặp gỡ của giới SVC và văn, nghệ sĩ khu vực ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh miền Đông,... thu hút nhiều đoàn khách tham quan và chụp ảnh kỷ niệm. Hiện thời là Câu lạc bộ Bonsai Thanh Tâm của Hội SVC Long An, do nguyên Chủ tịch UBND TP.Tân An - Phạm Hồng Lĩnh làm chủ nhiệm. Với các tác phẩm tranh tượng điêu khắc và phù điêu kỳ quan, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới cùng những tiểu cảnh, non bộ, kiểng cổ,... của cố chủ nhân, nghệ nhân Ba Tín để lại, được tiếp tục chăm sóc, khôi phục và tôn tạo,... nhưng cũng chưa là điểm tham quan, du lịch văn hóa.
Vì vậy, để có thêm sản phẩm cho du lịch của TP.Tân An, đoạn bờ kè kênh Bảo Định (phần đang xây dựng), nên tạo dải công viên văn hóa gồm các bồn hoa, cây phong cảnh cổ thụ, tiểu cảnh, non bộ, tượng danh nhân, cà phê sách,... và có đường đi dạo. Gắn với đó là các vườn kiểng, vườn hoa lan của dân kế cận, lấy vườn Thanh Tâm làm điểm nhấn; có thể vận động các cơ sở chế tác tiểu cảnh, non bộ, gỗ mỹ nghệ vào đây (như cách làm của công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) chẳng hạn); cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và mở loại hình du lịch cộng đồng. Có như thế, du lịch Long An mới thêm phần khởi sắc./.
Hội SVC Long An hiện có 1.030 hội viên chính thức, hình thành 12 phân hội và chi hội cơ sở theo địa bàn và 11 chi hội ngành nghề trực thuộc Tỉnh hội. Khi phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, giới chơi SVC ở nhà, tập trung “o bế” các “cây cưng”, biến chúng thành những tác phẩm có hồn cốt nghệ thuật SVC cao để “mang chuông đi đánh xứ người” và đều tạo được“tiếng chuông” tốt cho SVC tỉnh. |
Quang Hảo